Góc nhìn

Khủng hoảng vaccine ở Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn loay hoay xử lý

25/07/2018, 09:31

Dư luận Trung Quốc lại một lần nữa chấn động với bê bối vaccine kém chất lượng.

29

Một em bé ở Trung Quốc được tiêm phòng vaccine viêm não B

Dư luận Trung Quốc lại một lần nữa chấn động với bê bối vaccine kém chất lượng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải đích thân chỉ thị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra kỹ, trừng phạt nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc.

Vụ việc vượt qua “ranh giới đỏ” của đạo đức

Theo SCMP ngày 24/7, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả vụ bê bối vaccine mới nhất của Trung Quốc bằng cụm từ “thật đáng kinh hoàng”, đồng thời cam kết tiến hành điều tra kỹ lưỡng cuộc khủng hoảng y tế công tồi tệ nhất của Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Các yêu cầu này lặp lại chỉ thị không khoan nhượng của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào cuối tuần qua sau khi Công ty Công nghệ sinh học Changchung Changsheng (gọi tắt là Changsheng) sản xuất vaccine DPT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) kém chất lượng cho trẻ từ 3 tháng tuổi bị phanh phui.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, vụ việc đã vượt qua “ranh giới đỏ” của đạo đức và ra lệnh điều ra tra toàn diện về quy trình sản xuất và bán vaccine của Công ty Changsheng nói chung và các tập đoàn dược khác nói riêng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Cát Lâm cho biết, Changsheng đã bán khoảng 252.600 vaccine DPT không đạt tiêu chuẩn cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông, cơ quan phụ trách y tế công cho khoảng 100 triệu người trong tỉnh. Có khoảng hơn 215.000 trẻ em đã được tiêm loại vaccine này.

Vụ việc diễn ra 5 ngày sau khi chính Công ty Changsheng bị phát hiện làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 liều vaccine phòng bệnh dại. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia cho biết, đã thu hồi giấy phép sản xuất và đang điều tra, khởi tố hình sự đối với các cá nhân và tổ chức sai phạm.

Với phạm tội nghiêm trọng này, Công ty Changsheng có thể sẽ bị phạt 3,4 triệu nhân dân tệ (510 nghìn USD). Hiện, cảnh sát Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm) đã bắt giữ Chủ tịch Công ty Changsheng, ông Gao Junfang và 4 giám đốc điều hành cấp cao để thẩm vấn.

Vấn đề ở chỗ, khủng hoảng vaccine bẩn không phải mới xảy ra lần đầu tại Trung Quốc. Tháng 11/2017, Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán cũng đã bán ra thị trường 400.520 liều vaccine DPT kém chất lượng.

Đặc biệt, đây không phải lần đầu tiên Changsheng gặp phải bê bối về chất lượng vaccine. Năm ngoái, công ty này đã bán 252.600 liều vaccine DPT không đạt tiêu chuẩn, một lãnh đạo ở tỉnh Cát Lâm cho biết cuối tuần trước. Trong khi, số tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận khổng lồ 82 triệu USD mà họ thu được năm ngoái.

Hệ thống tiêm chủng bị tàn phá bởi tham nhũng?

Đây cũng không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ làm sạch ngành công nghiệp vaccine. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thực hiện nhiều cam kết tương tự hơn 2 năm trước để đối phó với một vụ bê bối tương tự.

Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3/2016 đã phải khắc phục các sơ hở trong việc giám sát sản xuất và phân phối vaccine sau vụ việc gây rúng động: Tổng cộng số vaccine trị giá 570 triệu nhân dân tệ (84 triệu USD) không được bảo quản đúng cách hoặc hết hạn lại được bán trái phép khắp cả nước. Trong vụ này, 200 người đã bị bắt giữ.

Theo SCMP, hệ thống tiêm chủng của Trung Quốc đang bị tàn phá và nguyên nhân chính bắt nguồn từ nạn tham nhũng khiến các quy định bị buông lỏng, hình phạt yếu và thiếu nhân viên để đảm bảo an toàn trong ngành Dược phẩm.

Những nguyên nhân trên đã góp phần làm bùng phát vụ bê bối vaccine mới nhất này, chỉ một thập kỷ sau khi niềm tin công chúng về an toàn thực phẩm và thuốc chữa bệnh đã bị sụt giảm nghiêm trọng do vụ bê bối sữa nhiễm melamine gây tử vong.

Người trong ngành cho biết, những thất bại này là kết quả của việc các công ty dược không tuân thủ những tiêu chuẩn sản xuất và biện pháp kiểm tra. Một cựu nhân viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia, cơ quan duy nhất đủ khả năng kiểm tra chất lượng và hiệu quả của vaccine nói rằng, họ không có đủ nhân viên để đảm bảo thuốc đạt tiêu chuẩn. Ngành công nghiệp này chỉ có niềm tin và hy vọng các công ty dược phẩm tuân thủ đúng quy chuẩn sản xuất.

Mặt khác, nạn tham nhũng trong hệ thống pháp lý vẫn luôn tồn tại, vì các công ty kinh doanh thường đưa ra các đề nghị cho các trung tâm kiểm soát bệnh và đăng ký thuốc để ảnh hưởng tới quá trình phê duyệt.

Trong vụ bê bối mới nhất, người ta cho rằng, hàng trăm nghìn nếu không nói là hàng triệu trẻ em Trung Quốc, trong đó có cả trẻ 3 tháng tuổi, có thể đã bị tiêm vaccine không có hoặc ít tác dụng của các nhà sản xuất lớn nhất đất nước, dưới một hệ thống chăm sóc sức khỏe bắt buộc của Chính phủ.

Vì thế, ngay khi đang thực hiện chuyến công du châu Phi, ông Tập Cận Bình cũng ra lệnh cho các nhà chức trách có hình phạt nghiêm minh nhằm triệt để “chữa trị căn bệnh tham nhũng mãn tính và vấn nạn thuốc không đủ chuẩn đang đầu độc người dân đến tận xương tủy”.

Còn Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, vụ việc đã vượt quá chuẩn mực đạo đức, yêu cầu xử phạt nặng đối với các cá nhân và tổ chức liên quan. Ông Lý cũng nhấn mạnh, người dân Trung Quốc cần được thông tin rõ ràng về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.