Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 |
Dự thảo chuyên đề về “kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền” được Ban Tổ chức T.Ư xây dựng rất cụ thể, chi tiết. Dự thảo này cũng vừa được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra cuối tuần qua.
Hình thức “chạy” tinh vi, phức tạp
Theo Ban Tổ chức T.Ư, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ là việc ngăn chặn, loại bỏ những hoạt động sai trái của cá nhân và tổ chức được trao và thực thi quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ.
Ban Tổ chức T.Ư nhận định, quyền lực chính trị, nhất là quyền lực Nhà nước khi được tổ chức, kiểm soát tốt sẽ có giá trị ổn định và phục vụ sự phát triển chung của xã hội. Ngược lại, khi không kiểm soát tốt, bị tha hóa, lạm dụng sẽ có tác hại rất lớn đối với sự phát triển, đời sống nhân dân và là nguy cơ dẫn đến suy thoái của cả hệ thống chính trị. Trong công tác tổ chức cán bộ, khi không kiểm soát được quyền lực sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, bất chấp nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình để phục vụ lợi ích cá nhân, là nguyên nhân và đồng thời là hậu quả của nạn chạy chức, chạy quyền.
“Chạy chức, chạy quyền” là hành vi dùng các lợi ích khác nhau, cả vật chất và phi vật chất cùng các thủ đoạn, mánh lới, quan hệ... để giành được vị trí, chức vụ, quyền lợi và lợi ích kèm theo như mong muốn.
Hình thức biểu hiện của chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ rất phức tạp, đa dạng: Chạy để từ chưa có chức thành có chức, chạy từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn, chạy từ nơi ít lợi ích và bổng lộc sang nơi có nhiều lợi lộc, chạy từ nơi sung túc, đầy đủ vật chất, kinh tế sang nơi có quyền lực chính trị để tìm nơi “trú ẩn”, “hạ cánh an toàn”; chạy biên chế, chạy chuyển ngạch công chức; chạy để thành lập hay giải thể tổ chức phục vụ ý đồ cá nhân...
Theo Ban Tổ chức T.Ư, chạy chức, chạy quyền là một loại “bệnh”, là biểu hiện đặc trưng của tình trạng tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ, hầu như chỉ diễn ra trong cơ quan của hệ thống chính trị hoặc doanh nghiệp Nhà nước. Nhận diện hành vi này là việc rất khó khăn vì nó được che đậy bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo thời gian, đối tượng, hoàn cảnh cụ thể...
Lũng đoạn công tác cán bộ
Trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực và chạy chức, chạy quyền có mối quan hệ với nhau. Cụ thể, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ yếu kém là cơ sở nảy sinh chạy chức chạy quyền. Vì cơ chế chính sách trong công tác cán bộ bất cập tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho người có chức, có quyền dẫn đến lộng quyền, lạm quyền. Hoặc trao quyền không đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát sẽ dẫn đến hiện tượng thao túng quyền lực, là cơ hội nảy sinh chạy chức, chạy quyền.
Bên cạnh đó, “chạy chức, chạy quyền” là điều kiện phát sinh và dẫn đến việc buông lỏng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Vì chạy chức, chạy quyền đem lại các lợi ích cho các đối tượng “được chạy” nên họ sẵn sàng làm trái nguyên tắc, buông lỏng quản lý để đáp ứng yêu cầu của “người chạy”.
Ban Tổ chức T.Ư nhận định, các đối tượng “chạy”, “lợi ích nhóm” đã lũng đoạn công tác cán bộ, mua chuộc một số cán bộ có trách nhiệm trong các cơ quan tham mưu cấp ủy để họ không làm hết trách nhiệm trong công tác cán bộ, trong tham mưu, giám sát, giới thiệu cán bộ; cố tình bỏ qua các dấu hiệu vi phạm, không dám đấu tranh, tạo cơ hội cho tham nhũng quyền lực lộng hành, trở thành đồng lõa, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền...
Tăng cường giám sát, kỷ luật
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy chức, chạy quyền là vấn đề rất khó, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cán bộ nhưng lại không thể không làm vì đã đến lúc cần có biện pháp ngăn chặn. Theo ông Phớc, để kiểm soát được quyền lực cần thực hiện theo nguyên lý “quyền lực ở đâu thì trách nhiệm ở đó”, tránh lạm quyền, lộng quyền cũng như vụ lợi cá nhân, ngăn ngừa sự tha hoá của người có quyền. Nhắc đến câu nói của Tổng Bí thư cho rằng: “Cần nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, ông Phớc nhấn mạnh cần minh bạch thông tin, có sự kiểm tra và giám sát, kỷ luật và tăng cường tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
Dự thảo của Ban Tổ chức T.Ư đưa ra 6 giải pháp kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền, trong đó có các giải pháp như: Thực hiện nghiêm và tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng ngừa và ngăn chặn những tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ; Nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị; Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo động lực cho cán bộ, công chức... Ban Tổ chức T.Ư cho biết, sẽ tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy chế “Kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ” để triển khai thực hiện thống nhất trong hệ thống chính trị. |
Về “chạy chức, chạy quyền”, ông Phớc nhận định đây chính là tham nhũng.Vì vậy, để giảm tham nhũng thì phải làm cho những kẻ tham nhũng không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị, không thể tham nhũng vì quy định chặt chẽ, không có kẽ hở, để lợi dụng và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ, danh dự lớn lao không thể đánh đổi. Giải pháp được Tổng Kiểm toán nhấn mạnh là cần hoàn thiện thể chế chặt chẽ, hợp lý, quan tâm đến chế độ đãi ngộ; Phải làm sao giảm được bộ máy và nâng được chế độ của cán bộ công chức lên. Nhưng cái quan trọng nhất, theo ông Phớc là phải lựa chọn chính xác người đứng đầu. Bởi có 2 sai lầm lớn nhất là chọn sai đường và chọn sai người.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, quy trình cán bộ cần phải dân chủ, công khai, đặc biệt phải minh bạch; Phải kiểm tra từng khâu khi thực hiện và nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Thực tế, rất dễ xảy ra trường hợp người đứng đầu thao túng công tác cán bộ. Khi người đứng đầu không muốn dân chủ, muốn dùng con cháu nhà mình thì họ sẽ có cách này hoặc cách khác để đưa vào. Vì thế, có tình trạng khi bỏ phiếu đều đồng thuận 100% nhưng thực chất lại không phải vậy, nên mới có chuyện “quy trình đúng nhưng sản phẩm đầu ra lại sai”.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, phải bằng mọi biện pháp phát hiện các cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, dùng vật chất, tình cảm để mua chuộc. Với những người này phải loại ngay từ đầu, nếu có trong quy hoạch thì đưa ra ngoài quy hoạch, đến kỳ bổ nhiệm thì không tiến hành bổ nhiệm lại. “Ban Thường vụ cấp ủy, Bí thư cấp ủy liêm chính, đồng thời công tác cán bộ được tổ chức dân chủ công khai, minh bạch thì không có cán bộ nào chạy chức, chạy quyền được”, ông Tiến khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận