Thời gian tới, các gói thầu bảo trì cầu đường sẽ được gom thành các dự án lớn hơn so với hiện tại để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực tương ứng |
Loại nhà thầu yếu, chấn chỉnh chủ đầu tư
Đầu tháng 4, Tổng cục Đường bộ VN có quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Công ty CP 482 do vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường N2 (tỉnh Vĩnh Long). Lý do được ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) đưa ra là từ đầu năm 2017 đến thời điểm đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, nhà thầu gần như bỏ không tuyến đường, khiến mặt đường hư hỏng, nhiều ổ gà, không nạo vét hệ thống thoát nước, vệ sinh mặt cầu, không sơn tim đường, để xảy ra vi phạm hành lang đường bộ mà không báo cáo gây mất vệ sinh tuyến đường và mất ATGT.
“Cục đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng nhà thầu vẫn không thực hiện. Nhận thấy Công ty CP 482 không còn khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng, nên cục đã kiến nghị với tổng cục cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Công ty CP 482. Đồng thời, rà soát lại khối lượng chưa thực hiện và xử phạt gần 170 triệu đồng đối với nhà thầu do vi phạm hợp đồng”, ông Thành nói.
"Tổng cục Đường bộ VN sẽ kiểm soát chặt từ khâu lập, thẩm định dự án bảo trì đường bộ. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong tất cả các giai đoạn lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu. Qua tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các dự án bảo trì đường bộ đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại về chất lượng, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, nên chất lượng bảo trì đã từng bước được nâng lên, những hư hỏng lớn đã sớm được phát hiện để sửa chữa." Ông Nguyễn Văn Huyện |
Đây không phải là trường hợp nhà thầu bảo trì duy nhất bị xử lý. Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN nhiều lần kiểm tra đột xuất các dự án bảo trì, gần đây nhất là dự án sửa chữa mặt đường QL2 do Sở GTVT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra nhận thấy công tác thi công cống thoát nước chưa đảm bảo chất lượng. Ngay tại hiện trường, tổng cục đã yêu cầu giao đơn vị kiểm định lại. Việc kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời, chính xác, khách quan công tác quản lý chất lượng dự án bảo trì của nhà thầu cũng như chủ đầu tư.
Không chỉ nhà thầu, nhiều chủ đầu tư các tuyến quốc lộ ủy thác là các Sở GTVT thường xuyên bị chấn chỉnh, nhắc nhở về chất lượng bảo trì đường bộ. Điển hình là Sở GTVT Bắc Kạn, qua kiểm tra hiện trường, Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong công tác bảo trì quốc lộ ủy thác của tỉnh này. Nhiều địa phương khác như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình… cũng bị chấn chỉnh trong quản lý chất lượng bảo trì đường bộ. Công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ ủy thác của các Sở này được cho là chưa được quan tâm đúng mức. Tư vấn giám sát, quản lý dự án, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu chưa thường xuyên bám sát công trường, thi công trên đường đang khai thác không đảm bảo ATGT.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tổng cục đã trực tiếp kiểm tra, xử lý các đơn vị không đảm bảo chất lượng trong công tác bảo dưỡng, tích cực kiểm tra, đánh giá chất lượng bảo trì và xử lý giảm trừ chi phí khi nhà thầu vi phạm. Hiện, tổng cục đang chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT báo cáo kinh phí đã giảm trừ của các nhà thầu trong quá trình nghiệm thu theo chất lượng thực hiện.
Gom thành gói thầu lớn, không để lọt nhà thầu yếu
Để khắc phục tình trạng “lọt” nhà thầu yếu kém tham gia bảo trì đường bộ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát. Với tư cách đại diện người tiêu dùng, nộp phí bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, quá trình đấu thầu các gói thầu bảo trì đường bộ không tránh khỏi việc nhà thầu bỏ giá thấp để trúng thầu. “Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, phải giám sát chặt các khâu nhằm bảo đảm chất lượng bảo trì, sửa chữa cũng như hiệu quả sử dụng của nguồn kinh phí này, nhất là cần giám sát chặt chẽ công tác đấu thầu, gắn trách nhiệm nhà thầu với chất lượng bảo trì chứ nếu “lơ là”, dù có nhiều tiền cũng chưa chắc chất lượng công trình được đảm bảo”, ông Thanh nói.
Trước lo ngại này, ông Lê Hồng Điệp cho biết, tổng cục đã ban hành các biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng thời tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm của các nhà thầu, chủ đầu tư dự án bảo trì. Từ năm 2018, tổng cục sẽ có chủ trương nâng cấp yêu cầu năng lực đối với nhà thầu tham gia quản lý bảo trì, yêu cầu các nhà thầu hiện đại hóa thêm một bước về máy móc, thiết bị, quản trị doanh nghiệp.
“Trong điều kiện nguồn vốn bảo trì không có sự tăng đột biến, một trong những nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào bảo trì. Một trong những giải pháp được Tổng cục Đường bộ VN tính đến là gom các gói thầu cầu, đường nhỏ lẻ hiện nay thành các gói thầu lớn để doanh nghiệp có điều kiện tích lũy tài sản, đầu tư thiết bị, đủ năng lực triển khai”, ông Điệp nói.
Giải thích rõ hơn về chủ trương này, ông Điệp lý giải, năm 2014, khi đấu thầu bảo trì đường bộ, có những tuyến đấu thầu thí điểm, khối lượng cũng như giá trị gói thầu lớn, lúc này các doanh nghiệp bảo trì là các công ty dịch vụ công ích Nhà nước chưa đủ điều kiện năng lực tài chính, thiết bị, con người theo yêu cầu. Khi đó, buộc phải sắp xếp gói thầu với phạm vi phù hợp. Từ năm 2015 trở đi, thực hiện chủ trương xã hội hóa triệt để bằng hình thức đấu thầu, các doanh nghiệp bảo trì truyền thống sau khi cổ phần hóa thấy rằng, không còn chính sách đặt hàng bảo trì đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, nhân lực, thu hút tài chính từ xã hội hóa. Bên cạnh đó, đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp mới ở lĩnh vực khác tham gia bảo trì đường bộ, thu hút lao động có kinh nghiệm, cạnh tranh với doanh nghiệp bảo trì đường bộ truyền thống.
“Đây là nền tảng để gom các gói thầu bảo trì đường bộ có khối lượng, cũng như giá trị lớn hơn theo lộ trình phát triển của doanh nghiệp. Sắp tới, khi gom các gói thầu bảo trì, sẽ có bộ tiêu chí mới cao hơn về năng lực, con người, thiết bị và khoa học công nghệ đối với nhà thầu để đánh giá năng lực nhà thầu theo phát triển của nền sản xuất”, ông Điệp nói và cho biết, việc kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất chất lượng bảo trì của các Sở, Cục Quản lý đường bộ sẽ thường xuyên hơn. Cùng với đó, là giải pháp kiểm tra, tăng cường xử lý nhà thầu, chủ đầu tư vi phạm, một số trường hợp chấm dứt hợp đồng, một số trường hợp ghi nhận cấm không cho đấu thầu các năm tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận