Xã hội

Kiến nghị cho công nhân TP.HCM là F1 được đi làm

04/03/2022, 16:30

Hiệp Hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép công nhân là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính được đi làm.

Ngày 4/3, nguồn tin của phóng viên cho biết: Ngày 1/3, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp Hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Y tế về cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc gần (F1).

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, sau gần hai tháng đầu năm 2022, hầu như 100% nhà máy/doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều và đang thiếu hụt lao động.

img

Công nhân đang làm việc tại một nhà máy ở TP.HCM. Ảnh: covid19.hochiminhcity

Theo ông Bé, đặc điểm hiện nay biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng qua khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng. Tuy nhiên, nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ là F0 thì có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1 và các công nhân lại phải ở nhà ít nhất 5 ngày. Nhà máy không có công nhân đi làm.

Đồng thời, công nhân được xác định F0 tại nhà máy tuy không phải không gian hẹp, khép kín nhưng cũng có nguy cơ các công nhân của tổ sản xuất đó hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1.

Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo nhà máy/doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m.

Cũng theo đại diện HBA, các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy (tổ trưởng, chuyền trưởng hoặc quản đốc). Đến ngày thứ 5 nếu xét nghiệm vẫn âm tính thì công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại.

Theo thống kê của HBA, hiện có hơn 350.000 công nhân tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP. HCM đã tiêm ngừa gần 100% 2 mũi, một phần lớn đã tiêm mũi 3 tăng cường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.