Xe tải lưu thông trên đường Võ Chí Công - Ảnh: Vĩnh Phú |
Bớt trạm thu phí
Kiến nghị tại buổi đối thoại, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh (TP.HCM) cho rằng, Nhà nước nên xem xét giảm phí BOT hoặc phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp hoặc ít ra cho xe sơ-mi rơ-moóc. Hiện nay, phí cầu đường quá nhiều, thành phố có 5 trạm thu giá và khoảng 10 trạm thu giá của các tỉnh liền kề. Các trạm này nằm sát bên nhau, chỉ cách nhau trung bình từ 4,4-20km gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Minh Liên (TP.HCM) cho rằng, trạm thu phí đang bủa vây TP.HCM. Thành phố cần xem lại trạm thu phí BOT như ở xa lộ Hà Nội đặt có đúng với vị trí hiện nay không? Ngoài ra, việc đăng kiểm xe mới, xe cũ còn gây khó khăn cho DN. Ví dụ về xe tải, trước kia cho đăng kiểm 1.400kg, bây giờ chỉ có 1.230kg. Phải chăng có sự tác động của doanh nghiệp sản xuất? Kiểm soát tải trọng nên có quy định cụ thể, lâu dài, nhất quán để doanh nghiệp yên tâm làm ăn.
Trong khi đó, ông Hồng Phùng Khanh, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Hồng Nam - Tân Vạn Thuận, tỉnh Trà Vinh kiến nghị: “Nên xem xét giờ cấm xe tải lưu thông trên QL1, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2017, nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn, phí bảo trì đường bộ cao, xe lưu hành ngắn nhưng phải chịu phí BOT cao”.
Ùn tắc làm tăng chi phí vận tải
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển, cảng sông tại TP.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2017, đã diễn ra tình trạng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, ngành kinh doanh vận tải hàng hóa thành phố vẫn đang đối mặt hàng loạt khó khăn.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đề nghị Bộ GTVT sớm trình Chính phủ sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 86, Nghị định 46, Thông tư 63 theo hướng cải cách đơn giản thủ tục, giảm bớt những quy định không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. |
“Có doanh nghiệp giảm giá cước vận tải tới 50%, dưới mức giá cước chung rất sâu, cùng với đó là tình trạng chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra với số xe tham gia chở quá tải lên đến 10-12% số đầu xe đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp còn đối phó bằng việc chở hàng quá tải để duy trì hoạt động và cân đối kinh doanh”, ông Chánh nói.
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Minh Liên cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái (Q.2), đường Nguyễn Văn Linh (Q.7)... làm mất thời gian, tăng chi phí vận tải. Ngoài ra, các biển báo tải trọng và thời gian lưu thông ở một số tuyến đường như QL1, Nguyễn Văn Linh chưa phù hợp nên cần điều chỉnh.
Rút ngắn thời gian học bằng lái FC
Ông Lưu Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công ty Vận tải 116, cùng nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị, Bộ GTVT cùng các sở, ngành liên quan nên xem xét điều chỉnh lại thời gian học bằng lái FC. Hiện nay, quy định 3 năm không sát với thực tế, không đúng với nhu cầu học của học viên.
Cùng quan điểm, luật sư Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM kiến nghị, giấy phép lái xe FC nên rút ngắn thời gian đào tạo, đào tạo trực tiếp từ một người có nhu cầu học không cần phải từ bằng C qua FC, đồng thời, giáo trình phải đáp ứng nhu cầu thực tế, thực tiễn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng nên xem xét linh hoạt cho phép thừa nhận hợp đồng giữa lái xe và chủ doanh nghiệp để vừa đảm bảo mục đích của doanh nghiệp, vừa đảm bảo ATGT.
Trả lời vấn đề trên, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, trên thị trường lao động, nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng lái xe FC. Thị trường biến động khó thuê tài xế bằng FC như vậy do nhiều nguyên nhân. Doanh nghiệp cần nhìn lại sự kết nối giữa những người lái xe với doanh nghiệp để khắc phục các vấn đề đó. Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Bình cũng cho biết sẽ ghi nhận ý kiến để báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét chỉnh sửa cho phù hợp, kể cả việc xem lại thời hạn đào tạo lái xe để đảm bảo an toàn chung cho xã hội vừa sát với nhu cầu thực tế trong thời gian tới.
Kết luận cuộc đối thoại, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở GTVT ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp và sẽ có văn bản cùng với Hiệp hội Vận tải thành phố kiến nghị Bộ GTVT chỉnh sửa những bất cập cho phù hợp. Về nhóm hạ tầng, tình hình giao thông thành phố còn nhiều dự án và sẽ làm theo lộ trình để giảm bớt tình trạng ùn tắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận