Tăng lương nhưng không làm tăng lạm phát
Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 7 vừa qua, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương mẫu mực về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời vì dân vì nước, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn.
Thủ tướng nhấn mạnh: Hàng triệu người dân đã tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, hàng trăm nước gửi điện chia buồn, gửi đoàn tới viếng Quốc tang tại Việt Nam và hơn 1.000 đoàn quốc tế tới viếng tại các đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Điều này vừa khẳng định sự ngưỡng mộ, kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa thể hiện sự đánh giá cao với vị thế, uy tín của đất nước ta, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Thủ tướng nêu rõ sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn quan tâm tới hoạt động của Chính phủ và thường xuyên có các chỉ đạo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể cả trong lúc nằm viện những ngày cuối đời.
Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi đến các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt, sạt lở vừa qua.
Cũng thời gian qua, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước, ngày 3/8, Trung ương đã thống nhất bầu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên thành viên Chính phủ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tỉ lệ tuyệt đối 100%. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, trong đó có 3 điểm đáng lưu ý.
Đáng chú ý, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%, 7 tháng tăng 8,7%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6 (lạm phát cơ bản tăng 2,73%, tăng 0,02% so với tháng 6) trong bối cảnh tăng lương cơ bản.
Đáng chú ý, cũng trong tháng 7, chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.
Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, nhấn mạnh thêm một số nội dung về công tác chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cơ bản đồng ý theo các báo cáo, ý kiến phát biểu và nhấn mạnh 12 nội dung trọng tâm.
Trong đó, đáng chú ý, về kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu.
"Chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế. Kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Về đầu tư công trung hạn, Thủ tướng giao các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Đặc biệt lưu ý dứt khoát không bố trí dàn trải; chi đầu tư ngân sách Trung ương tập trung cho các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia, công trình có tính liên vùng, kết nối quốc tế.
Đồng thời, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ.
Các bộ: Giao thông vận tải, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sẽ tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; hệ thống đường bộ cao tốc phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước ngày 15/8.
Một nhiệm vụ khác tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh là hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh khẩn trương trình ban hành Nghị định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho chi đầu tư để sửa chữa, nâng cấp công trình dưới 15 tỷ đồng (Bộ Tài chính chủ trì) và Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (Bộ Công thương chủ trì).
Nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật không còn phù hợp dưới hình thức một luật sửa nhiều luật (Bộ Tư pháp chủ trì).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận