Ảnh minh họa |
Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Trưởng ban chỉ đạo phòng Chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138) và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng của hai Ban chỉ đạo.
Báo cáo của Bộ Công an - Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ cho thấy, kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm đã xác lập hơn 2.000 chuyên án, khám phá và kết thúc 900 chuyên án; triệt phá trên 1.000 băng nhóm tội phạm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2,6 nghìn đối tượng truy nã; phát hiện gần 9.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 200 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ; trên 1.100 vụ buôn lậu; phát hiện hơn 12.800 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính gần 9.000 vụ; phát hiện và bắt giữ gần 12.000 vụ, hơn 18.000 đối tượng phạm tội về ma tuý.
Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng trên cả nước là 88.229 vụ, số thu nộp ngân sách nhà nước trên 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ và 889 đối tượng.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 7.879 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,19%).
Tại Hội nghị sau khi nghe báo cáo và các ý kiến, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế cần lưu ý như: tội phạm có tổ chức, núp bóng DN, sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, xâm hại trẻ em, giết người, cố ý gây thương tích… vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra, gây bức xúc dư luận.
Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Phó Thủ tướng do một số Bộ, ngành và người đứng đầu chưa quan tâm, chưa quyết liệt trong lãnh đạo. Một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật.
“Nếu trên địa bàn để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tội phạm có tổ chức, cán bộ, công chức dưới quyền “bảo kê” cho tội phạm, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài nhưng các lực lượng chức năng tại địa phương không chủ động phát hiện, xử lý thì phải phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trong thực hiện công vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tội phạm ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hoá, biến chất. Riêng với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp cục, cấp chi cục thuộc ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, lãnh đạo cấp đồn thuộc lực lượng bộ đội biên phòng ở các vị trí, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM…) theo hướng không quá 1 nhiệm kỳ thì luân chuyển. Lãnh đạo đơn vị có cán bộ, nhân viên dưới quyền vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực thì cũng phải luân chuyển làm việc khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận