Góc nhìn

Kinh tế Iran lao đao ngay sau lệnh trừng phạt của Mỹ

08/08/2018, 08:01

Đồng nội tệ của Iran đã mất gần 2/3 giá trị kể từ đầu năm 2018 là dấu hiệu rõ nhất cho thấy...

22

Hiện, 110.000 rial chỉ đổi được 1USD trên thị trường chợ đen, giảm 30% giá trị so với hồi tháng 6 và giảm 60% so với cuối năm 2017

Đồng nội tệ của Iran đã mất gần 2/3 giá trị kể từ đầu năm 2018 là dấu hiệu rõ nhất cho thấy tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ dù chúng chỉ vừa mới được tái áp đặt một phần vào ngày 6/7.

Thỏa thuận hạt nhân trước đó cũng không giúp ích cho Iran

Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đã chính thức hóa việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA). Tehran từng kỳ vọng rằng, thỏa thuận ký năm 2015 với Mỹ và các cường quốc khác sẽ vực dậy nền kinh tế Iran nhưng thực tế không như vậy. Cho đến thời điểm này, JCPOA cũng không giúp ích được gì. Đất nước này vẫn bị chìm trong khủng hoảng kinh tế ngay cả khi không có các biện pháp trừng phạt - điều chắc chắn sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn.

“Nền kinh tế Iran đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng trước khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định hồi tháng 5”, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết hôm thứ 2 trong một cuộc họp báo với các phóng viên.

Lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể gây đình trệ nền kinh tế, nhiều người dân Iran đã tích trữ đồng USD, thực trạng này càng đẩy đồng rial rớt giá sâu hơn. Chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani đã nỗ lực ngăn chặn đà sụt giảm bằng cách thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định, tăng cường kiểm soát thị trường chợ đen. Nhưng dường như chính sách này không có hiệu quả.

Ngân hàng Trung ương Iran đổ lỗi cho “âm mưu của kẻ thù” làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và gây hoang mang cho người dân. Nhưng, theo giới phân tích, những rắc rối mà Tehran đang gặp phải hầu như không phải là lỗi các yếu tố bên ngoài.

Kể từ sau khi ký kết JCPOA, Iran đã tham gia vào cuộc chiến tốn kém ở Syria, hậu thuẫn các phong trào vũ trang ở Yemen cũng như các nhóm chiến binh trên khắp Trung Đông. Chi phí cho các hoạt động quân sự này không hề rẻ, ước tính lên tới hàng chục tỷ USD. Thêm vào đó, sự lơi lỏng quản lý kinh tế, tham nhũng trỗi dậy và lạm phát tăng cao tại quốc gia Hồi giáo đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống lại Chính phủ thường xuyên diễn ra trên toàn quốc.

Mỹ sẽ trừng phạt mạnh tay hơn

Một phần các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào các giao dịch của Iran với đồng USD, vàng và các kim loại quý khác cũng như một số hợp đồng mua thiết bị công nghiệp đã được tái áp đặt. Thế nhưng, chúng còn chưa nghiêm trọng bằng nhóm các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới.

Tờ Atlantic dẫn lời giới quan sát cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Iran, vốn được kỳ vọng là mũi nhọn xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt bước đầu từ Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang đầu tư ở Iran như Renault cho biết, họ đang xem xét các giải pháp thay thế khác để bù đắp cơ hội bị bỏ lỡ ở Iran.

Các chuyên gia nói rằng, các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ dù là đơn phương, nhưng các công ty lớn nhất trên thế giới sẽ rời bỏ Iran cùng vốn liếng đầu tư cả khi các bên còn lại của JCPOA vẫn duy trì thỏa thuận với Iran. “Những gì châu Âu và những nước khác có thể cung cấp cho Iran trong trường hợp không có Mỹ sẽ không đủ để bù đắp bất kỳ tác động kinh tế bất lợi nào đối với Iran”, ông Jarrett Blanc, điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho thỏa thuận hạt nhân cho hay.

Ông Blanc cũng đặt ra câu hỏi, “Iran liệu có thể duy trì đủ thương mại để thoát khỏi suy thoái? Liệu Tehran có thể bán bao nhiêu dầu và duy trì những mối quan hệ tài chính nào?”. Rõ ràng, các công ty lớn phương Tây (đều có kết nối với Mỹ) sẽ không thấy lợi ích khi chạy theo những rủi ro tại Iran. Vì thế câu hỏi trên có liên quan nhiều hơn đến các đối tác thương mại không thuộc châu Âu của Iran.

Trung Quốc, cường quốc kinh tế số 2 thế giới đang tham gia vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ, được cho là sẽ không giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Bản thân điều đó có thể đủ để bù lại những hậu quả nghiêm trọng nhất của các lệnh trừng phạt từ Washington.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.