Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, kinh tế số trong lĩnh vực giao thông có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Phú Tiến.
Nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố xếp hạng cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương. Bảng xếp hạng này dựa trên các tiêu chí gì, thưa ông?
Tiêu chí đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất đến thời điểm tháng 6/2023.
Để phát triển kinh tế số trong lĩnh vực giao thông, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Cần có các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Người dân cần nâng cao nhận thức về lợi ích của kinh tế số trong lĩnh vực giao thông và sử dụng các dịch vụ số một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Phú Tiến
Trong đó gồm 3 trụ cột với trọng số cụ thể: Đánh giá chức năng, phản ánh mức độ đầy đủ các chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính dưới góc độ trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp, gồm 21 nhóm tiêu chí và 33 tiêu chí thành phần.
Đánh giá hiệu năng, phản ánh thời gian đáp ứng khi người sử dụng truy cập vào giao diện trang chủ của cổng dịch vụ công và giao diện điền thông tin hồ sơ (eForm) của một thủ tục hành chính được lựa chọn ngẫu nhiên tại 2 thời điểm có số lượng người sử dụng cao nhất (9h -11h và 14h -16h).
Cuối cùng là đánh giá khả năng truy cập thông tin thuận tiện.
Vậy theo ông, việc đánh giá để xếp hạng cổng dịch vụ công, chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương được thực hiện thế nào?
Việc khảo sát, đánh giá để xếp hạng cổng dịch vụ công, chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương chính là đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết nối trực tuyến tự động theo thời gian thực tới 100% các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Kết quả xếp hạng cho thấy, có hai bộ đạt mức độ A, trong đó có Bộ GTVT. Vậy để đạt được hạng A thì các bộ, ngành, địa phương phải đáp ứng được điều kiện gì, thưa ông?
Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được chia thành 5 mức độ, mức độ A cao nhất, mức độ E thấp nhất.
Những nỗ lực và kết quả mà Bộ GTVT đạt được thời gian vừa qua đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế số trong lĩnh vực giao thông.
Động lực quan trọng
Các ứng dụng gọi xe công nghệ đã giúp người dân có thể dễ dàng đặt xe và thanh toán trực tuyến.
Còn tiềm năng phát triển kinh tế số trong lĩnh vực giao thông trong thời gian tới, ông đánh giá thế nào?
Tiềm năng phát triển kinh tế số lĩnh vực giao thông là rất lớn, Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ giao thông hiện đại, tiện lợi và an toàn.
Kinh tế số trong lĩnh vực giao thông có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chẳng hạn, chuyển đổi số trong vận tải hành khách có thể giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Các ứng dụng gọi xe công nghệ thời gian qua đã giúp người dân có thể dễ dàng đặt xe và thanh toán trực tuyến.
Chuyển đổi số trong vận tải hàng hóa có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Có thể thấy các nền tảng thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với khách hàng và giao hàng nhanh chóng, thuận tiện.
Giao thông thông minh là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số. Các hệ thống giao thông thông minh có thể giúp giảm ùn tắc, cải thiện an toàn và nâng cao hiệu quả vận tải.
Từ những tiềm năng to lớn đó cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, kinh tế số lĩnh vực giao thông có thể trở thành một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới.
Để chuyển đổi số của cả hệ thống thành công thì nỗ lực của mỗi bộ, ngành, địa phương có ý nghĩa quan trọng thế nào, thưa ông?
Chuyển đổi số là một quá trình toàn diện, đòi hỏi sự tham gia và nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Với quy mô quốc gia, sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương có ý nghĩa quyết định.
Mỗi cơ quan, đơn vị cần bám sát các chương trình, chiến lược chuyển đổi số tổng thể của quốc gia; đồng thời có những chiến lược và kế hoạch cụ thể để triển khai chuyển đổi số, phù hợp với đặc thù của mình.
Một số nhiệm vụ trọng tâm mà các đơn vị cần tập trung thực hiện để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số. Phát triển dữ liệu số; phát triển ứng dụng, dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Với nỗ lực của tất cả các bên, chuyển đổi số sẽ thành công và mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước. Nó không chỉ giúp tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình, tiết kiệm thời gian và chi phí, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, thông qua các kênh trực tuyến như website, ứng dụng di động.
Cảm ơn ông!
Bộ GTVT là điểm sáng
Chiều 12/7, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Bộ GTVT là điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Bộ GTVT là một trong hai bộ xếp loại A về chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến. Đây là mức cao nhất trong 5 mức độ đánh giá về chất lượng của cổng dịch vụ công trực tuyến và cần phải đạt từ 90 - 100 điểm.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT, thực hiện kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 6 chỉ tiêu và 25 nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Đến hết tháng 6, các cơ quan của bộ đã hoàn thành 5/6 chỉ tiêu, 14/25 nhiệm vụ.
Hiện Bộ GTVT đang duy trì cung cấp hơn 290 dịch vụ công trực tuyến, trong tổng số hơn 400 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 72%. Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tiếp nhận và xử lý hơn 14.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 80%, so với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này tăng 8,6%.
Bộ GTVT đang quyết tâm xây dựng bộ dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích rất lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận