Theo các chuyên gia, với sự bùng phát của dịch nCoV, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu bị tổn thương và thiệt hại có thể còn tồi tệ hơn cách đây 20 năm, khi dịch SARS xuất hiện ở Trung Quốc.
Có thể xuất hiện xu hướng di dời thị trường
Từ năm 2003 (thời điểm dịch SARS bùng phát), Trung Quốc đã trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế toàn cầu, trở thành công xưởng thế giới, sản xuất ra hàng loạt sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính bảng, xe hơi...
Cường quốc mới nổi của thế giới còn có cầu mua sắm lớn, mang tính định hướng về nhiều loại hàng hóa bao gồm dầu mỏ và kim loại cơ bản; đồng thời sở hữu hàng trăm triệu người tiêu dùng giàu có và hào phóng, sẵn sàng chi mạnh tay để sở hữu các sản phẩm hạng sang thuộc các lĩnh vực thời trang, du lịch và công nghiệp xe hơi. Nếu như năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 4% tổng GDP toàn thế giới thì nay con số này đã là 16%.
Chưa kể, thế giới bên ngoài Trung Quốc cũng thay đổi từ năm 2003. Xu hướng toàn cầu hóa khuyến khích các công ty xây dựng những chuỗi cung ứng xuyên biên giới, đưa các nền kinh tế kết nối với nhau sâu hơn. Tỉ lệ nợ toàn cầu đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa dân tộc tăng cao tiềm ẩn nguy cơ gây trở ngại cho việc điều phối phản ứng toàn cầu khi cần.
Mặt khác, Trung Quốc đang ở thế dễ bị tổn thương với khủng hoảng hơn so với 17 năm trước khi dịch SARS bùng nổ. Theo nhận định của ông Raphie Hayat, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Hà Lan ING, Trung Quốc đang có chỉ số nợ cao nhất từ trước đến nay, chịu căng thẳng thương mại với một đối tác thương mại lớn; mức độ phát triển chậm trong nhiều năm khiến cho Trung Quốc đang ở xuất phát điểm thấp khi đối mặt với mới những vấn đề liên quan đến khủng hoảng dịch bệnh lần này.
Về mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của hai loại virus, nếu như SARS khiến 8.098 người bị nhiễm, khiến 813 người thiệt mạng trong vòng 1 năm trước khi bị tiêu diệt thì nay virus Corona mới bắt nguồn từ TP Vũ Hán, chỉ trong vòng 2 tháng đã có hơn 800 người thiệt mạng, hơn 43.400 ca nhiễm trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giới chức Trung Quốc hiện cô lập Vũ Hán cùng nhiều thành phố khác trong khi dịch bệnh do virus này gây ra vẫn đang tiếp tục lây lan.
Do đó, theo giới quan sát, SARS bùng phát trong giai đoạn 2003 và 2004 đã không thể xô đổ các thị trường nhưng virus Corona thì có thể. Việc bùng phát dịch có thể dẫn tới xu hướng di dời thị trường và kinh tế đáng kể.
“Tuy nhiên, quy mô ảnh hưởng sẽ được phán đoán qua mức độ lây lan cũng như cách thức tiến triển của virus mới và phản ứng của các Chính phủ”, ông Neil Shearing, chuyên gia kinh tế tại công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phân tích thị trường vĩ mô Capital Economics cho biết.
Tăng mức độ tổn hại nếu dịch không được chặn
Hiện tại, Trung Quốc là nước chịu thiệt hại nặng nhất vì là nơi khởi phát virus nên đã bước đầu có nhiều giải pháp để bình ổn kinh tế. Trong đó, tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm những tỉ lệ lãi suất quan trọng và bơm thêm tiền vào các thị trường nhằm giúp giảm áp lực cho ngân hàng cũng như người đi vay. Giới chức cũng công bố những biện pháp giãn thuế và trợ cấp giúp người tiêu dùng.
Các nhà phân tích tại Capital Economics dự đoán Chính phủ Bắc Kinh sẽ thông báo nhiều biện pháp bổ sung trong vài ngày tới. Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, họ tin rằng, Trung Quốc sẽ phải bỏ những nỗ lực dài hạn nhằm kiểm soát nợ và bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế.
Thực tế, dịch nCoV đã và đang làm chậm lại các chuỗi cung ứng và gây gián đoạn hoạt động nhiều công ty. Từ sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, các nhà máy sản xuất trên khắp Trung Quốc vẫn tiếp tục phải đóng cửa, khiến nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu như: Volkswagen, Toyota, Daimler, General Motors, Renault, Honda và Hyundai buộc phải tạm dừng hoạt động tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Theo chỉ số chứng khoán S&P Global Ratings, việc bùng phát dịch buộc các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc phải giảm công suất khoảng 15% trong quý I. Trong đó, Toyota cho biết, họ phải đóng cửa nhà máy ít nhất tới ngày 17/2.
Những nhà sản xuất xa xỉ phẩm, vốn dựa vào người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu mạnh tay hay mua sắm khi đi nghỉ dưỡng, cũng bị ảnh hưởng. Nhãn hiệu của Anh - Burberry đã phải đóng cửa 24 trong số 64 cửa hàng tại Trung Quốc và Giám đốc điều hành công ty này cảnh báo, dịch bệnh có thể gây ra tác động tiêu cực đối với nhu cầu xa xỉ của tầng lớp giàu có ở Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại nhất đó là nó đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu. Qualcomm, nhà sản xuất chip điện thoại thông minh lớn nhất thế giới cảnh báo, việc bùng phát dịch lần này gây ra sự bất ổn đáng kể xung quanh nhu cầu đối với điện thoại thông minh.
Hiện tại, việc thiếu hụt phụ tùng ô tô cũng đã buộc Hyundai phải đóng cửa nhiều nhà máy ở Hàn Quốc, khiến hãng xe Fiat Chrysler phải chuẩn bị các kế hoạch dự phòng, tránh đối mặt với hậu họa tương tự tại một trong những nhà máy của họ ở châu Âu.
Các nhà kinh tế cho biết, mức độ gián đoạn kinh tế hiện nay là có thể kiểm soát, nếu số lượng những ca nhiễm bệnh mới giảm, nhà máy tại Trung Quốc mở cửa sớm. Hậu quả đối với kinh tế Trung Quốc và phát triển toàn cầu chắc chắn đã bị tổn thương và số liệu sẽ được thống kê khi quý I của năm 2020 kết thúc.
Nếu virus tiếp tục lan nhanh, mức độ tổn hại tới kinh tế sẽ tăng chóng mặt, không chỉ tác động trong quý I của năm mới. Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz cho biết, ông rất lo lắng trước những ảnh hưởng kinh tế phân tầng có thể xảy ra khi đó.
“Đầu tiên, nó sẽ làm tê liệt chính khu vực có virus bùng phát. Sau đó, ảnh hưởng lan dần ra khu vực nội địa, làm suy thoái thương mại, mức tiêu thụ, sản xuất và hoạt động đi lại của người dân trong nước. Nếu virus không được kiểm soát, quá trình này sẽ lan mạnh hơn ra quy mô khu vực và thế giới, làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và hoạt động đi lại”, ông El-Erian lo ngại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận