Thời sự Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng ra sao bởi các lệnh trừng phạt với Nga?

23/02/2022, 15:47

Theo các chuyên gia, kinh tế Trung Quốc chỉ bị ảnh hưởng “có giới hạn” hoặc “tối thiểu” từ các lệnh trừng phạt với Nga của Mỹ và phương Tây.

“Ảnh hưởng lên hợp tác kinh tế Nga - Trung Quốc sẽ rất hạn chế, chủ yếu tác động lên các công ty đang kinh doanh tại Donetsk và Lugansk”, theo bà Anna Kireeve, phó giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc vốn đã hợp tác kinh doanh với các công ty năng lượng Nga đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mô hình hợp tác giữa hai bên, với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng nhà nước, sẽ giúp ngăn chặn ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - AP

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đánh giá các lệnh trừng phạt áp đặt lên các ngân hàng Nga có thể khiến các ngân hàng Trung Quốc gặp khó khăn trong các hoạt động tài chính với ngân hàng Nga. Từ đó dẫn tới nhu cầu thành lập các kênh làm việc giữa các chi nhánh ngân hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực và đẩy mạnh hoạt động thương mại sử dụng đồng tiền của 2 quốc gia này.

Về lĩnh vực công nghệ, vị chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây lên xuất khẩu công nghệ cao sang Nga sẽ khiến Nga đẩy mạnh hợp tác công nghệ với Trung Quốc, mang tới cơ hội hợp tác song phương sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Theo ông Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, các lệnh trừng phạt Nga sẽ đánh vào lĩnh vực tài chính và gây ảnh hưởng lên các công ty Trung Quốc có hoạt động thương mại với Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể giúp Nga giảm ảnh hưởng tiêu cực của các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như qua thỏa thuận mua than đá từ Nga mới được ký ngày 18/2.

Theo chuyên gia Shalendra D. Sharma, khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Lingnan, Hong Kong, cho rằng “ảnh hưởng lên Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu. Đây không phải cuộc khủng hoảng mới và Trung Quốc đã lường trước những cái giá phải trả trong cuộc xung đột. Các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng tới Mỹ nhiều hơn”.

“Trung Quốc có thể giúp Nga cả về kinh tế và ngoại giao. Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động thương mại với Nga và có thể đáp ứng các nhu cầu của Moscow”, vị chuyên gia nhận định.

Cả Nga và Trung Quốc đều đang giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD. Theo báo cáo của Atlantic Council tuần trước, trên 50% hàng xuất khẩu của Nga hiện thanh toán qua USD, so với con số 80% vào năm 2013.

Thời gian gần đây, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 2, hai bên ký thỏa thuận theo đó Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Thông báo chung của hai bên cũng công bố đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khí đốt, công nghệ, thương mại, tài chính, nông nghiệp và năng lượng xanh.

Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 của Trung Quốc. Từ trước khi căng thẳng với Ukraine leo thang, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc trong khi giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống ở châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại về khả năng các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận hợp tác khí đốt mới ký kết giữa Nga và Trung Quốc, khi sử dụng phương thức thanh toán qua đồng Euro.

“Trung Quốc có thể mua dầu mỏ với giá thấp hơn và Nga sẽ mất thị trường tại châu Âu. Vì vậy giá dầu trên thế giới sẽ tăng cao, nhưng với Trung Quốc thì ngược lại. Đó là những gì xảy ra năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea”, ông David Zweig, Giám đốc Transnational China Consulting, cho hay.

Bà Chen Fengying, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, cho rằng xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng phần nào lên kinh tế Trung Quốc, thể hiện qua thị trường cổ phiếu trong nước. Tuy nhiên, bà Fengying nhận định hợp tác thương mại song phương với Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moscow.

"Nhiều thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc vẫn sẽ được thực hiện", vị chuyên gia cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.