Lực lượng CSGT KonTum tăng cường tuần tra đảm bảo TTATGT |
Trước sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2016 tình hình trật tự ATGT tỉnh Kon Tum tiếp tục được đảm bảo. So với năm 2015, TNGT giảm 12 vụ, giảm một người chết và giảm 14 người bị thương.
Đồng loạt vào cuộc
Để bảo đảm trật tự ATGT, ngay đầu năm 2016 Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Công văn số 63-CV/TU ngày 4/2/2016 về việc chỉ đạo triển khai nhiệm vụ Năm ATGT 2016. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tại Thông báo số 220-TB/TU ngày 11/8/2016 và số 128-TB/VPTU ngày 15/8/2016 về công tác đảm bảo trật tự ATGT. UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 8/1/2016, và một loạt kế hoạch về triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đối với những vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra xử lý; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Kon Tum, các đơn vị chức năng đã đồng loạt vào cuộc. Lực lương CSGT đã tăng cường tuần tra kiểm soát. Kết quả, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 3.661 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; 3.336 trường hợp chạy quá tốc độ quy định; 4.817 trường hợp không có GPLX; 3.887 trường hợp không có CNĐK; 428 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; 166 trường hợp nồng độ cồn vượt quá mức quy định; 128 trường hợp chở hàng quá tải trọng quy định; 1.948 trường hợp thiết bị ATKT không đảm bảo; 166 trường hợp lạng lách; 993 trường hợp chuyển hướng không có tín hiệu báo; 60 trường hợp đi sai phần đường quy định; 9.896 trường hợp lỗi khác.
Về công tác kiểm tra tải trọng, lực lượng TTGT, CSGT đã thực hiện Kế hoạch liên ngành số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 của Bộ GTVT và Bộ Công an; Công văn số 2562/UBND-HTKT ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh về kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phối hợp kiểm tra tại trạm cân lưu động: Kết quả kiểm tra 19.794 lượt xe, phát hiện lập biên bản 120 trường hợp vi phạm, đã ra quyết định xử lý 102 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng quy định thu phạt nộp ngân sách 645,4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chánh TTGT tỉnh Kon Tum cho biết: “Công tác kiểm tra được thực hiện 24/24h, 7 ngày trong tuần; việc tổ chức kiểm tra được phối hợp chặt chẽ, đúng quy trình, khách quan đã tạo được sự chuyển biến tốt đối với người điều khiển phương tiện, lượng xe chở hàng quá tải đi qua địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng giảm”.
Người dân Kon Tum tự nguyên tháo dỡ công trình lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ |
Điểm nhấn công tác giải phóng hành lang đường bộ
Để quản lý tốt hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong những năm qua, Sở GTVT đã thường xuyên chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng lấn chiếm hành lang ATĐB. Trước năm 2013 tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng nhanh với những vi phạm phổ biến như: Lấn chiếm, xây dựng các công trình nhà ở, lều quán, hàng rào... Vi phạm xảy ra mọi lúc bất kể thời gian trong ngày. Đặc biệt, nhiều trường hợp đối tượng vi phạm xây dựng công trình vào ban đêm và các vào ngày nghỉ, ngày lễ khi các lực lượng làm công tác tuần tra nghỉ làm việc.
Trước tình hình trên năm 2013, Sở GTVT trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để bàn và thống nhất tăng cường quản lý tốt hành lang ATĐB, phân công cụ thể trách nhiệm lực lượng phối hợp gồm Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường và chính quyền cấp huyện, xã để xử lý vi phạm hành lang ATĐB đạt kết quả tốt, hạn chế và đi đến chấm dứt vi phạm xảy ra.
Theo đó, đối với UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan tập trung triển khai giải tỏa triệt để các trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ từ năm 2013 - 2014, 2015 - 2016 đã được lực lượng TTGT lập biên bản xử lý vi phạm và chuyển cho UBND các huyện, thành phố; Chủ trì, phối hợp với Ban ATGT thông tỉnh, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thống kê, phân loại các công trình nằm trong hành lang ATGT đường bộ trên các quốc lộ: 24, 40, 14C, 40B và các tỉnh lộ trên địa bàn; Đồng thời, đề xuất các công trình, vật kiến trúc, cây trồng nằm trong hành lang ATGT đường bộ gây ảnh hưởng đến ATGT cần giải tỏa để làm cơ sở lập dự toán xác định kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang ATGT
Lực lượng TTGT, đơn vị quản lý cầu đường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở các xã, phường của các huyện, thành phố, thành lập đoàn công tác xuống tận địa bàn thôn, làng, vào từng hộ dân tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Đặc biệt, tập trung các đối tượng vi phạm là cán bộ địa phương, đảng viên tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trước để làm gương cho các hộ vi phạm là người dân bình thường. Những hộ cố tình vi phạm lập biên bản vi phạm hành chính gửi UBND cấp xã đề nghị xử lý, cưỡng chế, giải tỏa theo quy định.
Qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến rõ nét, ý thức một bộ phận dân cư sống dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cao trong việc chấp hành quy định về bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Từ năm 2013 đến nay, đã vận động các hộ dân vi phạm trên địa bàn tỉnh tự giác tháo dỡ được 544 trường hợp vi phạm, hàng trăm trường hợp ký cam kết tháo dỡ. Điển hình đi đầu trong công tác vận động tuyên truyền và xử lý vi phạm hành lang ATĐB là các huyện Đắk Tô (tháo dỡ 37/38 hộ vi phạm), Kon Rẫy (tháo dỡ 178/182 trường hợp vi phạm)…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận