Kho báu cổ vật dưới mái chùa
Theo con đường quanh co uốn lượn mới được hoàn thành, chúng tôi đến ngôi chùa Nhẫm Dương tĩnh mịch, lọt thỏm trong khu hang động núi đá vôi.
Dường như tất cả các dãy núi đá trùng trùng điệp điệp vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương, nơi ngôi chùa tọa lạc.
Ni sư Thích Diệu Mơ (trụ trì chùa Nhẫm Dương) cho biết, chùa Nhẫm Dương có khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ bao quanh tạo thành một cảnh Phật toàn bích. Nổi bật nhất là tại hang Thánh Hoá, nơi sư tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch.
Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hoá thạch cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Địa tầng văn hoá ở đây dày tới 4m vẫn đang chờ giới khảo cổ học đánh thức, khám phá.
Tại nhà thờ tổ ngôi chùa này đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài liên tục suốt thời hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá cũ, đá mới, kim khí đến tận thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những hiện vật đó gồm nhiều loại di cốt, hoá thạch của người, động vật, đồ đá thời nguyên thuỷ đến đồ đồng thời Đông Sơn, đồ gốm, tiền cổ…
Theo ni sư Thích Diệu Mơ, việc phát hiện những hiện vật khảo cổ học tại đây là một sự tình cờ. Bởi, từ năm 1999-2000, trong quá trình tìm kiếm tượng cổ tại các hang động nhằm phục vụ việc trùng tu, tôn tạo chùa theo lời căn dặn của sư trụ trì đi trước, ni sư vô tình nhặt được nhiều tiền cổ, đồ gốm, dụng cụ thời xưa, rồi cả những chiếc răng to, nhỏ bám chi chít vào vách đá.
"Tôi nghĩ đây là răng bộ đội nên thu gom định làm lễ cầu siêu chứ không nghĩ tới đó lại là cổ vật. Trong một lần PGS.TS Nguyễn Lân Cường về chùa Nhẫm Dương khảo cổ, khi tôi đưa những chiếc răng mà mình tìm được, ông reo lên: "Pongo. Đúng Pongo rồi". Theo ông, đây là những chiếc răng hóa thạch của đười ươi, có khả năng từ khoảng 5 vạn năm đến 3 vạn năm trước. Từ đó, không chỉ nhặt nhạnh, mà nếu biết có ai đào được cổ vật ở khu núi này, tôi lại bỏ tiền ra chuộc lại và cất giữ tại chùa. Tích tiểu thành đại, bây giờ số lượng cổ vật ở đây nhiều lắm", ni sư Thích Diệu Mơ nói.
Những năm qua, tại di tích chùa Nhẫm Dương, các nhà khảo cổ học đã liên tục tìm thấy một số hiện vật của người Việt cổ ở Kinh Môn cách đây khoảng 4.000 năm như: rìu gót vuông, gót tròn, gót nhọn, rìu đồng hình chữ nhật, rìu xèo cân, mai đồng, giáo đồng, qua đồng, thạp đồng, chuông đồng, dao đồng, giáo đồng, đồ đựng bằng đồng như rùi xéo, vòng đồng, muôi đồng, gương đồng…
Đặc biệt, trong số xương hóa thạch tìm thấy thì quý nhất là hai chiếc răng người Homo sapiens (răng của người khôn ngoan trưởng thành). Hai chiếc răng này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Việc tìm thấy hai chiếc răng này góp phần không nhỏ để Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Qua đó có thể thấy, các cuộc thám sát điền dã, khai quật của các chuyên gia tại di tích chùa Nhẫm Dương đều khẳng định các di chỉ khảo cổ học ở đây rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá quốc gia mà còn mang ý nghĩa quốc tế, rất cần được bảo vệ, khai quật để nghiên cứu những giá trị đặc biệt của khu di tích này.
Gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử
Những năm gần đây, Hải Dương nói chung, thị xã Kinh Môn nói riêng đã tranh thủ tối đa mọi nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt của khu di tích Nhẫm Dương. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh này cũng đang xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Nhẫm Dương để đề nghị Bộ VH, TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thị xã Kinh Môn đã cơ bản thi công nâng cấp, cải tạo đường nối trung tâm phường Duy Tân đi Tân Dân và khu di tích Nhẫm Dương với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Các hoạt động khai thác đá tại khu vực này cũng đã được nghiêm cấm. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo tồn, gìn giữ phát huy những giá trị di tích lịch sử, văn hoá của khu di tích này được thực hiện thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Kinh Môn cho biết: "Để giữ gìn và phát huy giá trị vốn có của các khu di tích, nhiều năm qua, thị xã đã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo tồn, gìn giữ phát huy những giá trị di tích lịch sử, văn hoá của khu di tích này".
Năm 2018, UBND thị xã đã phối hợp với Hội khảo cổ Học Việt Nam in ấn sách "Đến với vùng văn hóa Kinh Môn" nhằm tuyên truyền văn hóa Kinh Môn.
"Năm 2020, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho thị xã làm chủ đầu tư, hiện đơn vị tư vấn vẫn đang tiến hành làm quy hoạch để trình phê duyệt kịp thời", bà Kha cho hay.
Theo các nguồn sử liệu, chùa Nhẫm Dương tên chữ là Thánh Quang được xây dựng từ thời Trần (1225-1400), là một địa danh gắn với Thánh Tổ Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt (1637-1704) là Thủy Tổ của phái Tào Động Việt Nam.
Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa ngày 14/4/2003 khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định của Bộ VH, TT&DL. Hàng năm, chùa Nhẫm Dương tổ chức lễ hội trong 3 ngày (từ mùng 5 - 7/3 âm lịch) vừa là dịp tưởng niệm ngày Thánh tổ Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt nhập niết bàn, vừa cầu mong vạn sự tốt lành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận