Điều tra

Kỳ cuối: PGĐ Sở GTVT có “cảm tính” trong điều hành?

27/03/2015, 07:32

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh trả lời phỏng vấn Báo Giao thông sau loạt bài bến xe tư nhân.

121
 Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội 

Chỉ vì thấy Bến xe (BX) Nước Ngầm thuê thêm ba khoang gầm cầu để trưng dụng làm chỗ để xe, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã khẳng định bến xe này quá tải, trong khi trên thực tế bến chưa đạt nổi một nửa công suất tối đa.

Sau khi đăng loạt bài phản ánh những khó khăn của BX Nước Ngầm, bến xe tư nhân đầu tiên tại Hà Nội đang gặp phải, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, người trực tiếp phụ trách vấn đề định hướng quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội.

Muốn điều chuyển xe về phải có quy hoạch

Là người trực tiếp phụ trách, ông đánh giá thế nào về hoạt động của BX Nước Ngầm? Vì sao bến chưa đạt nửa công suất ông đã ra văn bản thông báo bến này đã quá tải?

Xét về mặt quản lý, BX Nước Ngầm là bến xe rất chịu khó đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác quản lý vận hành trong bến xe rất tốt. Sau khi BX Nước Ngầm xã hội hóa xong thì lại không có xe vào, vì không có vị trí đắc địa, không nằm ở khu đô thị, khu tập trung dân cư đông và các trường học ở phía đó cũng không nhiều.

Thời điểm năm 2007- 2008, tôi ra văn bản cho rằng BX Nước Ngầm quá tải là hoàn toàn có cơ sở. Khi ấy rất nhiều doanh nghiệp kêu là bến xe không có chỗ đỗ, xe phải chạy ra ngoài. Lúc đó, tôi còn hối thúc phía bến xe làm sao mở rộng bến để doanh nghiệp đỡ kêu. Khi đường cầu cạn Thanh Trì xây xong thì Công ty Khai thác Nước Ngầm thuê lại ba khoang gầm cầu để chuyển bớt xe sang, giảm tải cho bến xe này. Vậy nếu không phải quá tải thì việc gì ông phải thuê thêm ba khoang gầm cầu?

Giám đốc BX Nước Ngầm, Nguyễn Văn Lập cho biết, bến xe này có công suất khoảng 800 lượt xe/ngày nhưng thực tế đạt chưa đến 200 lượt xe/ngày. Theo ông như vậy có quá lãng phí?

Việc anh Lập nói 800 lượt xe/ngày, tôi không biết căn cứ trên cơ sở nào. Nó còn căn cứ vào bến xe loại nào mới quy định được công suất tối đa, ngoài ra còn phụ thuộc vào tuyến đường dài hay ngắn. Nếu đường càng ngắn thì lượng xe ra vào, công suất càng lớn. BX Nước Ngầm chủ yếu là tuyến đường dài, nên các xe vào cùng đỗ một lúc để chờ vào nốt, lúc ấy là quá tải và thực tế là như vậy, nếu không có như thế thì tại sao anh Lập phải thuê ba khoang gầm cầu.

Trước những lý giải của Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho rằng, đó là cách lý giải đầy cảm tính. “Ông không thể thấy tôi thuê mấy khoang gầm cầu mà kết luận bến xe của tôi quá tải được. Việc thuê gầm cầu là để kinh doanh bãi đỗ xe chứ không phải làm bến xe. Thêm nữa, ông Linh không hề có văn bản cho rằng, BX Nước Ngầm quá tải mà việc này chỉ được ông thông báo bằng miệng”, ông Lập cho biết. 

Hiện nay, nếu xảy ra tình trạng rất nhiều doanh nghiệp muốn đăng ký vào BX Mỹ Đình để khai thác, trong khi BX này không còn khả năng đáp ứng thì với cương vị là Phó giám đốc trực tiếp điều hành lĩnh vực này, ông sẽ giải quyết theo phương án nào?

Đầu tiên, phải xem tại sao người ta lại không muốn vào bến xe kia. Nó có rất nhiều lý do. Một là, vị trí của bến xe không đắc địa, đầu tư xe mấy tỷ mà vào bến xe không có khách thì doanh nghiệp kêu. Tại sao BX Mỹ Đình đông là vì giờ khu vực Mỹ Đình rất đông. Tôi đã nói với anh Lập sẽ giới thiệu cho anh ấy một số dự án đang “treo” ở Mỹ Đình. Tại sao xe đăng ký vào Nước Ngầm lại cứ chạy sang Mỹ Đình. Là vì xe ở Hà Tĩnh, Nghệ An ra thì số người xuống BX Nước Ngầm rất ít, nhưng người ngồi trên xe để sang bến Mỹ Đình thì rất nhiều, đó là vì nhu cầu ở Mỹ Đình rất lớn. Vì vậy không thể vì quyền lợi của một doanh nghiệp mà quên đi quyền lợi của người dân. Quan điểm của tôi là như vậy.

Nếu cứ để tình trạng như vậy tiếp diễn, ông có lo ngại việc Mỹ Đình sẽ tiếp tục quá tải hay không? Và trong trường hợp điều chuyển xe về Nước Ngầm mà doanh nghiệp không đồng ý thì sẽ giải quyết như thế nào?

BX Mỹ Đình đã giải quyết được vấn đề quá tải sau khi mở rộng. Nói BX Mỹ Đình quá tải hiện nay là không còn nữa. BX Yên Nghĩa rất rộng nhưng không có khách nên doanh nghiệp vào lại xin ra. Còn ví dụ như điều các tuyến xe từ Mỹ Đình về Nước Ngầm mà họ không đồng ý, thì điều đầu tiên, tất cả những công việc ấy phải làm theo đúng quy định của pháp luật, theo thông tư, theo nghị định, đó là phải xây dựng quy hoạch. Hiện nay quy hoạch đang được xây dựng, vì vậy điều chuyển về phải trên cơ sở của pháp luật. Và khi đã có quy hoạch rõ ràng, thì việc điều chuyển ấy tôi có thể mạnh dạn làm mà không sợ gì cả, nhưng vì quy hoạch chưa có nên nếu mình đưa ra họ sẽ phản ứng ngay.

122
Gần 10 năm qua, BX Nước Ngầm chưa bao giờ đạt một nửa công suất

“Chúng tôi chẳng sai tí nào cả”

Trong Văn bản 4023/SGTCC ngày 27/12/2006 do ông ký trình Giám đốc Sở ban hành có quy định nguyên tắc sắp xếp tuyến vận tải khách và công suất tối đa cho từng bến xe, nhưng vì sao ông không chỉ đạo thực hiện như văn bản đã ban hành, dẫn đến tình trạng một số bến xe quá tải, bến khác lại chưa đủ tải, ai là người sẽ chịu trách nhiệm?

Văn bản 4023 ghi rất rõ là chỉ định hướng cho năm 2007. Hôm trước anh Lập có nói tôi tự tay ký văn bản thỏa thuận cho các đơn vị vào bến Mỹ Đình, cái đó là sai, vì thời điểm ấy, các xe vào bến Mỹ Đình thì Sở không được phép quyết định. Doanh nghiệp và bến tự thỏa thuận nên bố trí các tuyến xe trên địa bàn không theo quy định của Nhà nước, vì thế tôi yêu cầu các doanh nghiệp và bến xe thỏa thuận nhưng phải có sự chứng kiến của Sở. Năm đó Mỹ Đình chưa hề quá tải mà còn đang phải “nịnh” các xe vào Mỹ Đình, tôi phải đi vận động từng doanh nghiệp vào Mỹ Đình. BX Mỹ Đình quá tải từ năm 2011.

Khi trả lời chất vấn tại cuộc họp trực tuyến tại Bộ GTVT ngày 11/3/2015, ông nói: “Trong bốn năm qua, Sở GTVT và bản thân tôi luôn khuyến khích các đơn vị vào BX Nước Ngầm”, nhưng trong Văn bản 1/TB-SGTVT ngày 14/10/2009 ông lại hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải khách khai thác tại BX Yên Nghĩa chứ không phải ở BX Nước Ngầm, vì sao lại như vậy?

Tôi ký là hướng vào cả BX Yên Nghĩa và BX Nước Ngầm. Sau đó có chỉ đạo của thành phố, tôi lại khuyến khích vào BX Nước Ngầm. Chúng tôi vẫn đang thực hiện, chúng tôi có làm sai đâu, không làm sai tí nào cả. Chúng tôi vẫn đang hướng các xe sang Nước Ngầm.

Hiện nay, vai trò quản lý Nhà nước của Sở GTVT đối với công tác quản lý phương tiện và sắp xếp tuyến vận tải khách liên tỉnh vào các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội thể hiện bằng những việc làm nào?

Theo các quy định của pháp luật. Trước mắt khi chưa có các quy hoạch chính thức được Bộ GTVT công bố thì Sở GTVT vẫn ưu tiên các xe ra vào bến còn nhiều diện tích, khi nào có quy hoạch của Bộ thì sẽ có sự phân bổ hợp lý.

Ông có nắm được trên địa bàn thành phố còn những tụ điểm xe dù, bến cóc nào, của hãng nào hay không? Ai là người phải chịu trách nhiệm trong việc này?

30 năm làm vận tải tôi vẫn thấy khó nhất là giải quyết xe dù, bến cóc, việc này cần tất cả các lực lượng vào cuộc, từ quận, huyện đến công an, thanh tra, chính quyền địa phương, phải xử lý thật nghiêm. Trách nhiệm chính trong việc này là của tôi. Để xe dù, bến cóc, để xe hợp đồng trá hình còn tồn tại là trách nhiệm thuộc về tôi, tôi phải chịu trách nhiệm. Hiện nay tôi đã có rất nhiều kế hoạch để xử lý.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.