“Thở được mới sống được, cố gắng lên nhé”
Ngày 17/9, bệnh nhân Covid-19 Hoàng Văn Ngọc (48 tuổi, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) đã xuất viện sau 50 ngày điều trị tích cực, trong đó phải dùng đến phương pháp ECMO do 80% phổi bị tổn thương, đông đặc.
Anh Ngọc là bệnh nhân nặng nhất trong số 604 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị BV Thanh Nhàn (Hà Nội) và cũng là bệnh nhân đầu tiên được điều trị ECMO thành công với tuyến bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc vui mừng trong ngày ra viện
Anh Ngọc cho biết, vào giữa tháng 8 sau khi người trong gia đình được xác định mắc Coivd-19 sau khi có tiếp xúc với F0 là hàng xóm, anh trở thành F1 và được đưa vào Trung tâm cách ly Tam Hiệp (Thanh Trì, HN).
Vào đây đến ngày thứ 12, anh Ngọc bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho và có kết quả xét nghiệm dương tính. Những cơn sốt 39 – 40 độ C cứ liên tục kéo đến và chỉ ít bữa sau đó anh bắt đầu khó thở, và được chuyển đến điều trị tại BV Đống Đa, Hà Nội.
Tuy nhiên, diễn biến bệnh trở nặng nhanh chóng nên anh tiếp tục được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực BV Thanh Nhàn điều trị.
“Được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn buổi chiều thì đến đêm tôi lơ mơ, lúc mê lúc tỉnh, không biết gì. Lúc này tôi nghe thấy tiếng bác sĩ gọi “Anh Ngọc ơi cố hít thật sâu, thở từ từ… Thở được mới sống được, đừng suy nghĩ gì cả”. Người tôi nóng hừng hực rất khó chịu, như ai bịt mũi không thể thở được nữa”, anh Ngọc nhớ lại.
“Lúc bệnh nặng nhất, tôi không thể nói nên lời, nhưng trong đầu tôi vẫn nhớ lời bác sĩ nói “hít sâu vào, thở từ từ". Thế nhưng, dù cố gắng đến mấy cũng không thở được, lúc đó tôi đã nghĩ mình chết chắc rồi”, anh Ngọc chia sẻ.
Anh Ngọc cũng không ngờ rằng trong suốt quá trình anh hôn mê đó, các bác sĩ đã nỗ lực giành giật lại sự sống cho anh bằng giải pháp cuối cùng trong điều trị đó là chạy ECMO. Một giải pháp mà trước đó các y bác sĩ nơi đây chưa từng thực hiện.
Sau những ngày hôn mê, khi mở mắt lại điều đầu tiên anh nghĩ đến “mừng quá, mình sống rồi”.
Các y bác sĩ BV Thanh Nhàn chúc mừng bệnh nhân Ngọc trong ngày ra viện
Theo anh Ngọc, bản thân anh không có bệnh nền, nên chưa khi nào anh nghĩ mình có thể trở nặng đến vậy. Bởi anh vốn khỏe mạnh, trước có nghe về biến chứng của bệnh nhưng chỉ nghĩ điều đó xảy đến với người già, người bệnh nền, ai ngờ…
“Tôi tỉnh dậy bác sĩ động viên bảo tôi phải tập thở. Họ bảo cứu được tôi đã quá cố gắng rồi, giờ là sự nỗ lực của bản thân. Chính vì vậy, ngày nào cũng tập thở dù vô cùng khó nhọc. Có lẽ chưa bao giờ thấy hít thở hằng ngày bình thường lại trở nên khó khăn với mình đến vậy”, anh Ngọc cho biết.
Đến nay sau gần 50 ngày điều trị tại bệnh viện, anh Ngọc đã khỏi bệnh, có thể xuất viện được.
“Giờ sức khoẻ của tôi đã ổn hơn rất nhiều. Tôi như được tái sinh lần thứ 2. Tôi sẽ trân trọng thêm cuộc sống này. Được ra viện tôi rất vui, cám ơn bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện đã cứu sống tôi”, anh Ngọc xúc động nói.
Giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Ngọc, BS. Lê Văn Dẫn, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực BV Thanh Nhàn cho biết: Đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh lý nền. Khi vào bệnh viện đã có tổn thương phổi rất nặng, nguy kịch do Covid-19.
Quá trình điều trị bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp như lọc máu hấp thụ, thở ô-xy dòng cao. Tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh và rơi vào tình trạng tổn thương phổi nặng, suy hô hấp.
Các y bác sĩ chạy đua với thời gian để cứu sống FO tại khu hồi sức tích cực BV Thanh Nhàn
Ngay trong đêm 8/8, ê-kíp điều trị Covid-19 quyết định hội chẩn và đưa ra phương án điều trị cuối cùng là ECMO..
“Khi làm ECMO, chúng tôi cũng đã có chút lăn tăn vì liệu bệnh nhân có cơ hội không vì tổn thương phổi quá nặng, nhưng đây là cơ hội cuối cùng cứu bệnh nhân nên chúng tôi vẫn rất quyết tâm làm kỹ thuật này trong môi trường đầy khó khăn”, BS. Dẫn chia sẻ.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ can thiệp ECMO thành công. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, gặp nhiều khó khăn do tình trạng ô-xy máu của bệnh nhân cứ giảm dần… hoặc các chỉ số về ô-xy, huyết động và đặc biệt tình trạng rối loạn đông cầm máu liên tục theo dõi sát và điều chỉnh liên tục.
May mắn, đến ngày thứ 3 tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi ô-xy lên dần. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức vì giai đoạn phổi tổn thương đông đặc, xơ hóa.
Sự quyết tâm điều trị của đội ngũ y bác sĩ nơi đây được đền đáp khi bệnh nhân dần có sự hồi phục.
Điều đầu tiên là tình trạng ô-xy máu lên, huyết áp ổn định hơn, dừng an thần để đánh giá ý thức. Bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ…. Mỗi biến chuyển của bệnh nhân được y bác sĩ theo sát từng phút.
Vui mừng trước sự hồi phục ngoạn mục của bệnh nhân, BS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết: Đây là ca mắc Covid-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại BV Thanh Nhàn.
Cả BV Thanh Nhàn chỉ có một chiếc ECMO, được trang bị từ năm 2019. Khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, thở HFLC (thở oxy lưu lượng cao qua mũi) không được tốt và chuyển thở máy xâm nhập, nhưng phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ có kỹ thuật ECMO mới giúp được bệnh nhân. Nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO đã đem lại cho người bệnh sự sống”.
Để có được thành công này là nhờ sự nỗ lực hết mình của các chiến sĩ áo trắng, ngày đêm bên giường bệnh theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở, đếm từng giọt máu chăm sóc người bệnh từng ly, từng tý khi được can thiệp ECMO.
"Thành công này không chỉ là niềm vui cho người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc của đội ngũ nhân viên y tế BV Thanh Nhàn, đặc biệt là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS. Hương nói.
Tại BV Thanh Nhàn đã tiếp nhận và điều trị cho 604 bệnh nhân Covid-19, trong đó có khoảng 140 bệnh nhân nặng. BV Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, do vậy mà bệnh nhân Covid-19 nặng thường sẽ được chuyển đến đây, đa phần là những bệnh nhân lớn tuổi, có kèm bệnh lý nền, một số ít là bệnh nhân trẻ tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận