Dù đã bước sang tuổi 123, đôi mắt đã lòa và sức khỏe đã yếu đi, nhưng tóc cụ vẫn đen và răng rụng lại mọc.
Hy sinh hạnh phúc để chăm sóc mẹ già
Từ TP Hải Dương xuôi về thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện với quãng đường khoảng 30km, khi hỏi về cụ Nguyễn Thị Cơ, không ai trong làng là không biết.
Cụ Cơ hiện đang sống cùng con gái út là bà Nguyễn Thị Hạt (75 tuổi) tại ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nằm trong một con ngõ nhỏ.
Theo chia sẻ của bà Hạt, cha của bà là cụ Nguyễn Hữu Giản, cụ Cơ là vợ thứ hai. Sau khi kết hôn, cụ Cơ sinh được hai người con gái là bà Nguyễn Thị Tràng (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hạt (75 tuổi).
Ngày trước, bà định không lấy chồng, bởi chị gái đã lấy chồng xa, bà phải lo chăm sóc cha mẹ. Đến năm 28 tuổi, khi gặp được người cảm thông hoàn cảnh, hứa ở rể nên bà mới quyết định lập gia đình.
Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng được bao lâu, khi bà mang thai thì người chồng bất ngờ đổi ý, muốn chuyển về quê nội sinh sống.
Bà vì thương cha mẹ, nên không thể theo chồng, đành sinh và nuôi con một mình để có thể phụng dưỡng cha mẹ. Hai vợ chồng chia xa từ đó.
Đến cuối năm 1982, bố bà Hạt qua đời vì bệnh nặng, bà Hạt một mình chăm sóc mẹ già, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng.
Vài năm trở lại đây, mắt cụ Cơ bị lòa, không đi lại được nên bà Hạt đành phải bỏ ruộng hoang để dành toàn thời gian chăm sóc mẹ.
Mỗi tháng, hai mẹ con cụ Cơ sống nhờ vào số tiền 1,3 triệu đồng là tiền trợ cấp người cao tuổi. Đến cuối năm vừa rồi, cụ Cơ được hỗ trợ thêm vài trăm nghìn đồng tiền bảo trợ mỗi tháng.
Để tiết kiệm chi tiêu, bà Hạt dùng bếp củi nấu cơm, không bật quạt, hạn chế xem ti vi, thay vào đó nghe đài chạy bằng pin… Bà cố gắng gói gọn tiền điện hàng tháng trong khoảng 50.000 đồng.
"Ở nhà thì tôi tranh thủ nuôi thêm con gà và trồng rau để cải thiện cuộc sống. Mẹ tôi ăn rất ít, không bệnh tật gì, nên tằn tiện thì hai mẹ con cũng không bị đói", bà Hạt nói.
Lo lắng nhất của bà là căn nhà hai mẹ con ở đã xây dựng quá lâu, nay xuống cấp. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người thân, nên ngôi nhà mới được lợp lại tôn và ốp lại tường nên hai mẹ con đỡ vất vả.
"Mẹ con tôi đang sống bình yên, được mọi người xung quanh yêu thương. Khó khăn thì nhiều, nhưng chúng tôi vui vẻ, hạnh phúc", bà Hạt nói.
Tóc vẫn đen, răng vẫn mọc
Dù đã ở tuổi 123 nhưng điều khiến nhiều người ngạc nhiên là tóc cụ Cơ vẫn đen nhánh, gần như không thấy sợi tóc bạc và răng cũ bị rụng thì răng mới lại mọc lên. Và không chỉ cụ Cơ, bà Hạt cũng khá trẻ so với tuổi 75, hiện vẫn rất nhanh nhẹn, mạnh khỏe, dù vóc người nhỏ bé.
Đến nay, dù đã 123 tuổi nhưng cụ Cơ vẫn minh mẫn, chân tay hoạt động bình thường, không bị bệnh tật gì. Nhưng do sức khỏe yếu dần vì tuổi già, các động tác của cụ Cơ chậm hơn, nói nhỏ hơn, đi lại thường có người dìu cho đỡ ngã.
Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, khỏe mạnh của mẹ mình, bà Hạt bối rối cho biết bà cũng không rõ vì sao. Bởi hồi trẻ cụ Cơ cũng lao động vất vả như bao người nông dân nơi đây, gia cảnh nhà nghèo khó nên cũng không dùng thuốc bổ hay sản phẩm dinh dưỡng gì.
Hiện cụ Cơ vẫn ăn ngày ba bữa cơm, chủ yếu là cơm nóng và muối vừng, rau xanh, thi thoảng cụ ăn thêm 1 - 2 miếng giò, chả. Đôi lúc, cụ ăn cháo hoặc uống sữa, ăn mì tôm thay cơm.
"Có điều, mẹ tôi ăn đúng giờ và không bỏ bữa bao giờ, dù có bữa chỉ ăn dăm miếng cơm. Mẹ tôi từ trẻ đến giờ không ăn vặt, chỉ ăn đúng ba bữa chính.
Ngoài ra, mẹ không ăn đồ nguội lạnh, tất cả thức ăn đều phải làm nóng. Tôi cũng đa phần chỉ ăn cơm và muối vừng, rau xanh", bà Hạt kể.
Những năm trước, khi còn khỏe, cụ Cơ thường ra sân chơi, đi dạo vài vòng. Nhưng hai năm nay khi mắt mờ lòa, cụ chỉ quanh quẩn trong nhà, khi nằm trên giường, khi xuống võng. Mỗi đêm, cụ dậy đi vệ sinh 2 - 3 lần, bà Hạt phải dậy dìu đi.
"Hiện mẹ tôi vẫn minh mẫn, nhận biết được mọi việc chứ không bị lẫn, phân biệt được người quen, người lạ qua giọng nói. Mẹ vẫn nói chuyện bình thường được nhưng nói nhỏ. Gần đây, nói nhiều khiến bà mệt nên khi cần mới gọi", bà Hạt chia sẻ.
Thực hư độ tuổi?
Trong câu chuyện với PV, bà Hạt cũng đưa chứng minh nhân dân (CMND) của cụ đã làm từ lâu và căn cước công dân (CCCD) mới được cấp.
Thông tin trên CCCD mới làm vào tháng 11/2022 thể hiện cụ Cơ sinh năm 1901; quê quán: Xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; nơi thường trú thôn Phạm Khê, Cao Thắng, Thanh Miện, Hải Dương.
Đối với giấy CMND thì được làm vào ngày 4/5/1979 thể hiện cụ sinh năm 1901; nguyên quán: Đoàn Đào, Phù Tiên, Hải Hưng; nơi thường trú: Cao Thắng, Ninh Thanh, Hải Hưng.
Như vậy, thông tin trong CCCD mới cụ Cơ sinh năm 1901 trùng với năm sinh trong giấy CMND cũ làm từ năm 1979.
Còn thông tin quê quán, nơi thường trú có khác tên địa danh, bởi năm 1979 khi làm CMND lúc đó tỉnh Hải Hưng vẫn chưa tách thành 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, cũng như huyện Phù Tiên chưa tách thành 2 huyện Phù Cừ, Tiên Lữ; huyện Ninh Thanh chưa tách thành 2 huyện Ninh Giang, Thanh Miện như bây giờ.
"Nhiều người thắc mắc về số tuổi của mẹ tôi nhưng ngoài dùng CCCD để chứng minh và bằng giấy mừng thọ ra thì rất khó để chứng minh vì những người ngang với cụ Cơ đã mất, nhiều con cháu thì không nhớ tuổi tác, năm sinh", bà Hạt chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hằng, Trưởng thôn Phạm Khê cho biết, cụ Cơ là người nhiều tuổi nhất thôn. Hiện nay, sức khỏe cụ đã yếu hơn so với nhiều năm trước nhưng tóc thì vẫn đen và răng vẫn mọc.
"Đối với giấy tờ cụ lưu giữ, địa phương hay chính quyền dựa vào đó để biết. Bởi, cùng thời với cụ, không còn ai để chứng minh", ông Hằng chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết, gia đình cụ Cơ là một trong những hộ nghèo của xã.
Theo ông Nhường, địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xác định số tuổi của cụ Cơ. Bởi, những người ngang với cụ đã mất và con cháu cụ không nhớ thông tin.
"Địa phương chỉ dựa vào giấy tờ mà cụ lưu giữ để làm CCCD mới và xác định đúng năm sinh của cụ. Đây cũng là thông tin để tổ chức mừng thọ cho cụ", ông Nhường cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận