Dân "khát nước" bên công trình nước sạch tiền tỷ han gỉ
Trên con đường đất gồ ghề dẫn vào khu vực công trình cung cấp nước sạch ở gần khu vực tái định cư thôn Bản Sen thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), anh Tuấn - tài xế xe ôm cho hay: "Khi thấy khởi công công trình cung cấp nước sạch khá đồ sộ, bà con vui lắm, cứ nghĩ sắp có nước sạch dùng. Nào ngờ, từ khi công trình hoàn thành đến nay, bà con chưa có giọt nước sạch nào".
Con đường đất ngổn ngang vào công trình cấp nước ở xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh)
Từ tuyến đường ven biển đang thi công qua thôn Nà Na rẽ vào khoảng chừng vài trăm mét, PV Báo Giao thông đã tiếp cận được công trình cung cấp nước sạch còn khá mới. Tại đây, có 2 chiếc bể nước đồ sộ có sức chứa hàng trăm mét khối, nhưng đều cạn trơ đáy.
>>> Clip: Cận cảnh những công trình cấp nước sinh hoạt đầu tư tiền tỷ đang "đắp chiếu" ở xã Bản Sen:
Bể lắng, lọc nước ở công trình cấp nước cũ cạn khô
Cùng với các chiếc bể cạn khô, hệ thống van khóa, bơm nước… đã lâu không hoạt động đang bị hoen gỉ. Căn nhà nhỏ chứa chiếc máy bơm, hệ thống điện cũng bị cỏ mọc um tùm vây quanh.
Có điều lạ là, trong căn phòng này dù có nhiều thiết bị có giá trị, nhưng cửa không được khóa và dường như lâu rồi không có dấu chân người đến bảo quản.
Cửa điều hành trạm bơm mở toang hoác, thiết bị hoen gỉ lâu không có người bảo dưỡng
Vượt qua đoạn đường vài chục mét, lổn nhổn "ổ gà", PV Báo Giao thông tiếp cận thêm một công trình cấp nước sinh hoạt khác cũng đang hỏ hoang.
Ngay tại lối vào, là một chiếc bảng ghi: Công trình giếng nước sinh hoạt tập trung và hệ thống bơm tăng áp thôn Bản Sen, xã Bản Sen; chủ đầu tư UBND xã Bản Sen; đơn vị thi công: Công ty TNHH Thương mại Hoa Phong.
Công trình xây dựng tiền tỷ, nhưng bị bỏ không gây lãng phí
Công trình có tổng mức đầu tư gần 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135 và ngân sách tỉnh Quảng Ninh; Khởi công ngày 25/7/2018 và hoàn thành ngày 25/12/2018.
Nhìn từ ngoài vào, công trình này khá khang trang. Nhưng khi bước vào bên trong, thì chỉ thấy những chiếc giếng, bể sâu đầy nước vàng khè, rong rêu phủ kín, rác rưởi rơi đầy.
Giếng nước, bể lắng ở công trình mới cấp nước gần 1,7 tỷ đồng vàng khè, chưa được thau rửa từ khi hoàn thành dự án
Từ đây nhìn lên, PV Báo Giao thông thấy cách đó không xa là một công trình đập nước được xây dựng từ rất lâu cũng cạn khô, cỏ mọc um tùm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về thực trạng này, một cán bộ thôn Nà Na, xã Bản Sen cho biết: Đập nước, công trình cấp nước sạch được xây dựng cách đây nhiều năm và không thấy đưa vào sử dụng.
Hồ chứa nước nằm cách trạm bơm mới cũng cạn trơ đáy
"Do vậy, năm 2018, khi địa phương có chủ trương xây thêm công trình giếng nước và bơm tăng áp, bà con đã có ý kiến cần khảo sát, đánh giá kỹ nguồn sinh thủy và nên tận dụng các thiết bị, máy móc của công trình cũ để đỡ lãng phí… Nhưng vẫn thấy công trình mới hoàn thành với đầy đủ máy bơm, nhà, hệ thống điện từ cuối năm 2018 và công trình này cũng "đắp chiếu", vị cán bộ thôn Nà Na nói.
Chợ trung tâm tiền tỷ bỏ hoang
Người dân xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) hiện còn thắc mắc về việc xây dựng chợ trung tâm xã ở thôn Nà Na trị giá tiền tỷ cũng đang trong tình trạng "không bóng người qua lại".
Công trình chợ trung tâm xã Bản Sen, huyện Vân Đồn để không dù đã hoàn thành từ lâu
Theo tìm hiểu của PV, xã đảo Bản Sen có trên 300 hộ với trên 1.200 nhân khẩu, cư dân của xã sinh sống chủ yếu bằng nghề nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Xã Bản Sen về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2018.
Để về đích được Chương trình xây dựng nông thôn mới thì địa phương phải hoàn thiện cơ bản các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Chợ trung tâm xã Bản Sen đã được ra đời trong hoàn cảnh như thế.
>>> Clip: Toàn cảnh chợ trung tâm xã Bản Sen để hoang từ ngày hoàn thành:
Qua quan sát của PV Báo Giao thông, chợ xã Bản Sen nằm ở trung tâm thôn Nà Na, gần trụ sở xã Bản Sen. Chợ do UBND xã Bản Sen làm chủ đầu tư, có diện tích xây dựng khoảng hơn 1.000m2, gồm: Nhà để xe có mái che, 2 dãy nhà lợp mái tôn, khu họp chợ ngoài trời, nhà vệ sinh, bể nước… được thiết kế khá đồng bộ.
Dù chợ xã Bản Sen được hoàn thành từ rất lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa có tiểu thương nào vào hoạt động. Thỉnh thoảng chỉ có một vài con trâu đi vào trú mưa, tránh nắng… khiến nơi đây giống chuồng trâu hay một trang trại chăn nuôi nào đó đang xây dựng dở.
Chiếc bể nước phục vụ cho các tiểu thương chưa từng được xả nước từ khi chợ được hoàn thành
Anh Ph.V.H - chủ cửa hàng ở thôn Nà Na cho hay: Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm rừng và đi biển, dân cư sinh sống thưa thớt, các thôn lại cách xa nhau nhiều cây số.
"Tại mỗi thôn đã có một số cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm; một số tiểu thương còn bán hàng di động tới tận các nhà có nhu cầu. Vì vậy, nhu cầu tới chợ của bà con rất ít. Xã còn nghèo, nhưng vẫn có những công trình tiền tỷ từ ngân sách để "đắp chiếu", thật đáng tiếc", anh H nói.
Hệ thống mái tôn của chợ trung tâm xã Bản Sen được đầu tư khá hoàn thiện
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông về hiện trạng những công trình đầu tư tiền tỷ xây dựng xong rồi bỏ không, ông Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết: Khi bắt đầu triển khai xây dựng chợ thì UBND xã đã họp mời bà con đến đăng ký kinh doanh và có 26 hộ chủ trương đăng ký. Khi chợ hoàn thành thì vào đúng dịp dịch Covid-19 diễn ra, nên mới có tình trạng này xảy ra.
"Mới đây, xã đã tổ chức họp dân lại để tính chuyện đưa chợ vào hoạt động, nhưng cũng chỉ có một số hộ đăng ký. Hiện xã đang tìm các giải pháp để thu hút tiểu thương vào họp chợ", vị lãnh đạo xã Bản Sen nói.
Dù đã hoàn thiện, nhưng đến nay, chợ trung tâm xã Bản Sen vẫn vắng bóng người qua lại
Liên quan đến các công trình cấp nước, dù hệ thống bơm, bể nước và đập nước cạn trơ đáy, ông Đinh Trung Kiên cho hay, chỉ còn 1 công trình hiện nay đã có các hộ đăng ký, nhưng họ chưa dùng vì một số hộ không muốn nộp tiền điện để bơm nước cũng như vận hành quản lý công trình.
"Các công trình kia người dân đều dùng nước hiệu quả. Tới đây xã sẽ tiếp tục vận động để dân dùng, vì đến mùa khô dân sẽ có nhu cầu. Nội dung này địa phương sẽ có thông báo sớm khi các hộ sử dụng...", ông Kiên nói.
Về máy bơm cũ, đập nước bị bỏ hoang, ông Kiên cho biết, địa phương và phòng, ban của huyện đã đi kiểm tra, nguồn sinh thủy ở đó hạn chế nên đã thu nước về phía giếng hạ lưu cung cấp cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận