Với số phiếu tán thành cao, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Với cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ được thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn để Cần Thơ phát huy các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.
Người dân kỳ vọng không còn cảnh thấp thỏm lo âu về giá, sức mua nông sản khi bước vào chính vụ thu hoạch.
Người dân khấp khởi vui mừng
Anh Phan Văn Nghĩa, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ giúp các mặt hàng nông sản ổn định đầu ra, nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến và cảnh “được mùa rớt giá” sẽ không còn.
Vừa qua khi ùn tắc biên giới, giá mít tại vườn mà anh Nghĩa bán cho thương lái 4.000 đồng/kg, không đủ chi phí vật tư đã bỏ ra.
Với việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ vùng ĐBSCL theo Nghị quyết vừa được thông qua, anh Nghĩa hy vọng hơn 1.000 cây mít Thái của gia đình anh có cơ hội liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra.
Giải bài toán về đầu ra nông sản cho vùng ĐBSCL
“Mong có Nhà nước làm nhà máy chế biến hay tiêu thụ có thể đỡ chút. Làm đó khỏi qua trung gian thì điều đó quá hay, đối với nông dân vậy quá tiện.
Có được mấy công ty đó mở ra làm thì nông dân quá khỏe, mình làm được đó mình đem vô đó chế biến xuất khẩu ra nước ngoài. Ổn định được thì nông dân cứ làm tới”, anh Nghĩa chia sẻ.
Vùng ĐBSCL với diện tích khoảng 2,6 triệu ha đất nông nghiệp cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc trưng của vùng.
Khi hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống nông dân.
Trung tâm sẽ liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Cây ăn trái, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nhìn nhận, việc thành lập được trung tâm sẽ giải quyết được tình trạng phá vỡ hợp đồng, khi có giao kết doanh nghiệp sẽ an tâm đầu vào và tìm các đối tác để tiêu thụ, tránh tình trạng như trước đây bị phá vỡ hợp đồng từ phía người dân gây khó cho công ty.
“Việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” sẽ góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà gồm nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu”, ông hy vọng..
Mang lại nguồn thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm
Nghị quyết vừa được thông qua sẽ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với sự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Nông sản sẽ không còn cảnh bấp bênh như hiện nay.
Trong đó, việc thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giải bài toán nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Là trung tâm của vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ là đòn bẩy để Cần Thơ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.
Sức lan tỏa của Nghị quyết sẽ giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro.
Trong Nghị quyết có nêu việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng sẽ hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Từ đó góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm; tạo cơ hội việc làm ổn định, góp phần giải quyết bài toán di dân thời gian qua ở ĐBSCL.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao đổi với PV.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định, khu liên kết sẽ là nơi các doanh nghiệp, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch trong nước và xuất khẩu, chào bán nông sản.
Việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ giải bài toán nông sản cho vùng ĐBSCL, góp phần sớm giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản vùng.
Từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp và hệ thống logistics; nâng cao giá trị sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động trong khu vực ĐBSCL.
Đặc biệt, việc hình thành các kho lạnh cấp vùng có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như trước đây sẽ giúp người dân không còn chịu áp lực về thời điểm quyết định giá bán, tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận “công bằng” so với lao động, chi phí đầu tư đã bỏ ra.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu đầu vào, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trong thời gian qua.
Ông Trần Việt Trường cho biết, địa phương sẽ bắt tay vào thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt để sớm hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, không để có lỗi với người dân Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Việc hình thành trung tâm sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng/năm, cùng với việc giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động trong khu vực, góp phần tăng thu từ hoạt động tiêu dùng, dịch vụ thông qua hoạt động chi tiêu của người lao động.
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ giúp rất nhiều cho nông dân.
“Dự kiến thu hút khoảng 150 doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản, với tổng vốn đăng ký dự kiến trên 1,2 tỷ USD, doanh thu trung bình dự kiến mỗi dự án khoảng 6,5 triệu USD/năm.
Tổng doanh thu dự kiến của toàn trung tâm này ước là 975 triệu USD/năm, nộp ngân sách khoảng 50 triệu USD/năm, khoảng 5% doanh thu theo mức thuế suất ưu đãi được hưởng”, ông Trần Việt Trường thông tin.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị, khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước và là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận