Đường sắt đô thị

Kỳ vọng lớn từ Metro Bến Thành - Suối Tiên

27/04/2022, 10:00

Năm 2023, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro đầu tiên của TP.HCM sẽ đưa vào khai thác, kỳ vọng giảm xe cá nhân, hạn chế ùn tắc.

Đây là điều mà hàng triệu người dân tại thành phố năng động nhất cả nước mong chờ suốt 15 năm qua.

“Giấc mơ metro” sắp thành hiện thực

img

Tàu metro được đưa về Depot Long Bình chạy thử

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang là tâm điểm chú ý đối với người dân TP.HCM khi chuẩn bị được đưa vào khai thác.

Chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đang rốt ráo hoàn thành tuyến 1 và chuẩn bị cho các tuyến số 2 và 4 tuyến tiếp theo.

Theo chủ đầu tư, hiện gói thầu CP1a (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 95%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt trên 94%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 75,08%. Tại nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố đã hoàn tất xây dựng thô, các nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục hoàn thiện nhà ga (cơ điện và kiến trúc).


Những ngày tháng Tư lịch sư, tại công trường tuyến metro số 1, công nhân đang khẩn trương hoàn thiện các mục cuối cùng.

Hàng trăm công nhân, kỹ sư đang tất bật làm việc để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Không khí lao động diễn ra hết sức khẩn trương, công nhân làm việc 3 ca/ngày.

Tại Nhà ga trung tâm Bến Thành, ở độ sâu khoảng 32m so với mặt đất, anh Nguyễn Văn Thuận đang tất bật với công việc của mình.

Anh cho biết, dù công việc tại công trường rất nhiều và áp lực nhưng anh em kỹ sư, công nhân vẫn rất vui và tự hào vì được thi công ở một trong những gói thầu khó khăn, phức tạp nhất của dự án.

“Những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và an toàn lao động của dự án lớn như thế này đã tích lũy cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm làm việc sau này”, anh Thuận nói và cho biết, mong muốn sẽ tiếp tục được thi công những tuyến metro sắp tới của thành phố.

Chờ ngày tuyến metro số 1 hoàn thành để đi lại thuận tiện, bà Vũ Thị Hà, ngụ TP Thủ Đức cho biết, không chỉ bà mà rất nhiều người dân đều mong mỏi tuyến metro xong sớm.

“Khi có tuyến metro chắc sẽ có nhiều người lựa chọn để đi chơi hoặc đi làm, vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm chi phí”, bà Hà nói.

Đánh giá về ý nghĩa mà tuyến metro số 1 mang lại, TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đây là tuyến đường sắt đô thị nhận được nhiều kỳ vọng của người dân TP.HCM.

“Khi đi vào vận hành, tuyến sẽ kết nối liên hoàn dọc cửa ngõ phía Đông vào trung tâm thành phố, tạo xung lực phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận”, ông Sơn nói.

img

Kiểm tra đường ray ở nhà ga Bến Thành

Cũng ở khu vực trung tâm, ga Ba Son đã hoàn thành 99% khối lượng. Đoạn đường ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố cũng đã xong phần kết cấu ngầm. Các nhà thầu đang tất bật hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi sau 7 năm rào chắn thi công.

Đoạn trên cao hơn 19,7km từ ga Ba Son đến depot Long Bình cũng đang tất bật hoàn thiện các nhà ga.

Trong khi đó, bộ phận vận hành cũng đang tất bật chạy thử nghiệm đầu máy toa xe để chuẩn bị vận hành chính thức vào năm tới.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, tuyến metro số 1 mang tính biểu tượng vì công trình đánh dấu sự chuyển mình phát triển của thành phố hôm nay và tương lai.

Chính quyền và nhân dân rất kỳ vọng công trình này sớm hoàn thành.

Tính chuyện kết nối

img

Tầng B1 ga Nhà hát Thành phố đã hoàn thiện

Hiện, tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 90% khối lượng và dự kiến đưa vào khai thác năm 2023.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, metro số 1 phải có kết nối liên hoàn với các phương tiện khác, đặc biệt xe xe buýt.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đã từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông công cộng để phục vụ người dân tiếp cận tuyến metro số 1 thuận lợi nhất.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa đồng ý với đề xuất của Sở về việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên”.

Khi được bố trí vốn, dự án sẽ được triển khai ngay trước khi tuyến metro số 1 đưa vào vận hành. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 118,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Theo đề án này, xung quanh 11 ga trên cao tuyến metro số 1 sẽ được xây dựng các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe cá nhân, lối đi bộ...

Riêng khu vực nhà ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được xây thêm bãi đậu xe rộng hơn 1.600m2 để xe buýt sau khi đón trả khách trước nhà ga đến bãi chờ tài.

“Các tuyến xe buýt như những nhánh gom để gom khách cho metro số 1, tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức.

Điều này cho phép thu hút hành khách đến từ các khu vực khác trong thành phố đến với tuyến metro”, ông Hải nói.

Nói về tầm quan trọng của tuyến metro số 1, PGS.TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến này có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối vùng đô thị và thúc đẩy cửa ngõ phía Đông thành phố phát triển mạnh mẽ hơn.

Khi metro số 1 hoạt động chắc chắn sẽ đông người sử dụng.

Ngoài việc kết nối với các phương tiện công cộng khác, chuyên gia này cũng cho rằng, phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống metro đã quy hoạch thì mới tạo hiệu quả trong vận tải công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

“Để metro phát huy tối đa hiệu quả cần sớm hoàn thiện hệ thống 8 tuyến metro. Mạng lưới 8 tuyến metro hoàn thiện kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao có thể đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM”, ông Mai nói.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, 15 năm chật vật để hoàn thiện một dự án như metro số 1 là khoảng thời gian quá dài. Trở ngại lớn nhất của tuyến này chính là thủ tục.

Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình này cũng sẽ mang lại bài học kinh nghiệm cho cả TP.HCM và các cơ quan liên quan để những dự án metro sắp tới không tiếp tục đi lại “vết xe đổ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.