Tuy khu vực Nam bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng trong những năm trước đây được coi như là vùng trũng về hạ tầng giao thông so với các khu vực của cả nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc.
Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm vừa qua, hàng loạt các công trình được đưa vào khai thác, khởi công và đang chuẩn bị khởi công đã làm thay đổi diện mạo giao thông của khu vực.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Ảnh minh họa)
Trong đó, mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số, nhưng riêng vùng Đông Nam bộ (gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) lại đóng góp tới hơn 30% GDP và khoảng 45% tổng thu ngân sách Nhà nước (2021).
Đây là vùng có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại, tồn tại nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cấp bách, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.
Tương tự, hạ tầng giao thông cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất của vùng ĐBSCL, khiến nhiều tiềm năng lợi thế của vùng chưa được phát huy.
Vấn đề này đã được Đảng, Chính phủ nhận diện nên thời gian qua, một nguồn lực rất lớn đã được dành để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực này.
Hơn 100.000 tỷ đồng được Chính phủ bố trí đẩy mạnh phát triển hệ thống cao tốc, trong đó ưu tiên cho khu vực ĐBSCL, điều đó đã tạo ra thời kỳ mới cho bức tranh kinh tế xã hội của vùng. Bởi khi giao thông đường bộ tốt hơn sẽ kết nối, hỗ trợ, phát huy tối đa lợi thế giao thông đường thủy, hàng không.
“Giao thông đi trước mở đường”, cùng với các con đường mới sẽ là các trục và không gian phát triển mới. Trên cơ sở đó các địa phương quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới. Đây chính là kỳ vọng từ các trục giao thông mới này.
Điều quan trọng nhất là khi đường mở ra, các địa phương đón đầu và tận dụng cơ hội này ra sao để vươn lên mạnh mẽ. Để tăng tính hiệu quả trong đầu tư cao tốc, cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất.
Để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thật sự trở thành vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao, cần tạo điều kiện thuận lợi khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có, liên kết tốt giữa các phương thức vận tải, giảm chi phí vận tải để tăng khả năng cạnh tranh.
Có như vậy, khu vực phía Nam mới thực sự tạo được động lực để bứt phá.
Với những gì đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, giờ là lúc phải tính thật kỹ bài toán làm sao đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.
TS. Trần Hữu Hiệp
Chuyên gia kinh tế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận