Rất nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách hiện nay có quy mô nhỏ nên khó thực hiện quy định có người điều hành vận tải - Ảnh: Thùy Sinh |
Doanh nghiệp đối phó
Nghị định 86 quy định đơn vị kinh doanh vận tải khi tham gia kinh doanh vận tải ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định còn phải đáp ứng các yêu cầu về người điều hành vận tải mới được cấp giấy phép. Để đáp ứng điều kiện này, mỗi đơn vị kinh doanh phải có người điều hành, đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên và có ba năm kinh nghiệm.
Với các doanh nghiệp (DN) nhỏ, nhất là người đứng đầu mỗi đơn vị có xuất phát điểm là những chủ xe kiêm lái xe, không có bằng cấp khi thành lập DN thực sự gặp khó. Vì vậy, muốn thành lập DN, họ tìm cách hợp lý hóa bằng cách thuê nhân sự đáp ứng điều kiện kinh doanh. Bà Phan Thị Mỹ Lệ, Giám đốc DN vận tải Lệ Sơn cho biết: “Chúng tôi có ba xe lại phải “cắt” riêng ra một người để điều hành sẽ rất khó. Nhân sự của DN đều là những người không có bằng cấp mà chỉ có thâm niên với nghề lái xe. Để đảm bảo đủ điều kiện đăng ký, chúng tôi đã phải thuê người điều hành có bằng cấp, thâm niên. Điều kiện này khiến DN phát sinh chi phí và giảm lợi nhuận”.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Phát Nguyễn Huy Hoàng cũng chia sẻ, Nghị định 86 yêu cầu “Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ ba năm trở lên”, nhưng để xác nhận điều kiện trên rất khó. Chính vì vậy, đa phần các DN đều tìm cách để “lách luật”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thừa nhận, với DN có từ 1-3 xe, thực hiện quy định này rất khó. Họ không đủ năng lực, hay nói cách khác doanh thu của họ sẽ không đủ để nuôi bộ phận này. “Bên cạnh đó, ở các DN nhỏ lẻ này, đa số người chủ hoặc lái xe chỉ học hết lớp 12, thậm chí chỉ học hết cấp II, nếu đòi hỏi phải có người điều hành vận tải và phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên sẽ gây khó cho DN”, ông Thanh nói.
>>>Xem thêm video:
Lớn hay nhỏ cũng phải có người điều hành vận tải
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, khi đã là DN hay hộ kinh doanh vận tải, nhất định phải có người điều hành vận tải, phải hiểu về nghiệp vụ tối thiểu vận tải để điều hành, quản lý, đảm bảo an toàn cho phương tiện của chính mình. Tuy nhiên, chúng ta nên quy định linh hoạt, đối với DN nhỏ không nhất thiết phải có hẳn một bộ phận điều hành vận tải mà chỉ cần ông chủ có hiểu biết về vận tải và kiêm luôn việc điều hành.
Thừa nhận thực tế này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cả nước hiện có trên 24.500 đơn vị kinh doanh vận tải. Đa số các DN vận tải có quy mô nhỏ, thậm chí nhiều đơn vị vận tải có số phương tiện nhỏ hơn ba xe là phổ biến, đồng thời các chủ hộ kinh doanh vận tải này là lái xe, vì vậy nếu theo quy định trên thì vẫn phải yêu cầu có người điều hành vận tải mới được cấp phép.
Theo quy định của Nghị định 86: “Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ ba năm trở lên”. |
Các chủ hộ kinh doanh vận tải là lái xe, nếu theo quy định trên vẫn phải yêu cầu có người điều hành vận tải mới được cấp phép. Cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép đồng thời phê duyệt phương án kinh doanh kèm theo. Thực tế, việc thay đổi phương án kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên tùy thuộc vào điều kiện hoạt động và hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị. Nếu mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh đều phải đợi cơ quan cấp phép phê duyệt xong mới được hoạt động sẽ làm chậm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị”, bà Hiền nói.
Bà Hiền cho biết, Bộ GTVT đang tiếp thu các ý kiến và tổng hợp để đưa soạn thảo nghị định mới để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Các quy định cần phải được soạn thảo theo hướng cụ thể, rõ ràng, rành mạch và có những hướng dẫn cụ thể để các DN dễ thực hiện. Ngoài ra, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý vận tải để có thể cập nhật và báo cáo tự động, từ đó có thể kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận