Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2022 và dự báo quý 4/2022, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết NHNN đã gây bất ngờ với việc thắt chặt lãi suất vào cuối giờ chiều 22/9, qua đó báo hiệu bắt đầu chu kỳ bình thường hóa chính sách sau khi FED tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp vào sáng cùng ngày.
Trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ FED có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, VND sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổ chức này cho rằng có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm %) đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Nhiều chuyên gia nhận định đây là sự mở màn của chính sách thắt chặt tiền tệ từ phía nhà điều hành. Lãi suất tái cấp vốn được nâng từ mức thấp lịch sử 4% lên 5%.
Nhiều tổ chức dự báo một đợt tăng lãi suất điều hành có thể xảy ra vào cuối năm. ( Ảnh minh họa)
Trước đó, nhiều đơn vị phân tích cũng dự báo NHNN có thể tăng thêm lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm được đẩy lên cao nhất ở mức 8,8%/năm.
Tại báo cáo mới phát hành, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, so với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao. Trong khi đó, khả năng NHNN tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại tệ hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research trước đó cũng cho rằng càng về cuối năm sức ép lên tỷ giá càng lớn. Tỷ giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh vượt ngưỡng 24.000 VND/USD. Chỉ trong vòng một tháng, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD hai lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng/USD, khi cung-cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.
Theo công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN hiện tại đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020. Nhóm phân tích cho rằng mức lãi suất như vậy khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,0 và 4,5%. Mức lãi suất điều hành hiện tại cũng để phòng thủ cho khả năng FED nâng lãi suất lên 4,5-4,75% trong năm 2022.
Nếu bám sát vào kịch bản FED tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 thì VDSC dự báo lãi suất điều hành có thể tăng thêm từ 50-100 điểm cơ bản trong năm sau, về lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, biến số ở đây là rủi ro rơi vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ và tốc độ phục hồi của Việt Nam có thể chậm lại đáng kể từ quý 4/2022, các biến số này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nâng lãi suất của FED và cả NHNN trong thời gian tới.
Chia sẻ trong hội nghị về công tác tín dụng và công tác truyền thông ngày 2/10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN đang phải thực hiện nhiều giải pháp mục tiêu trong đó có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau.
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu ngành ngân hàng phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%; ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá; thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%; tổng kết đánh giá đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng,...
"Chúng ta phải điều hành để vừa góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối", Thống đốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thống đốc cho biết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc đảm bảo an toàn hệ thống luôn phải đặt lên hàng đầu. Mục tiêu chung, căn cơ, dài hạn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận