10 ngân hàng tăng lãi suất trong 8 ngày
Theo thống kê từ đầu tháng 8 đến nay đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, và VPBank.
Mới nhất, sáng 8/8 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 0,5%/năm lãi suất đối với kỳ hạn gửi tiền 1 tháng và 0,2%/năm các kỳ hạn còn lại.
Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) cũng tăng 0,8%/năm kỳ hạn 12 và 13 tháng và tăng thêm 0,5%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-11 tháng kể từ hôm nay.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất kể từ đầu tháng 8. Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động trực tuyến ngân hàng VIB, kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng cũng tăng thêm 0,1%/năm lên 3,5%/năm.
VIB tăng thêm 0,2%/năm đối với lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 6-18 tháng. Do đó, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng đã lên mức 4,6%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng 5,1%/năm.
Sau 3 tháng giữ nguyên, Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) vừa gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động, mức tăng 0,4%/năm các kỳ hạn từ 1-12 tháng và 0,3%/năm các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục tăng lãi suất huy động với mức tăng cao nhất lên đến 0,4%/năm từ ngày 5/8.
Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến mới nhất tại Sacombank gồm: Kỳ hạn 1 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,3%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,6%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6-7 tháng được Sacombank điều chỉnh tăng thêm tới 0,4%/năm, lên mức 4,9%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mới đối với tiền gửi kỳ hạn từ 8-11 tháng sau khi các kỳ hạn này tăng thêm 0,3%/năm.Trước đó, trong tháng 7/2024, có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Lãi suất tăng lợi hay hại?
Tính đến đầu tuần này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm. Tuần qua (từ ngày 29/7 đến 2/8), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 48.279,24 tỷ đồng bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 23.965,73 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 77.500 tỷ đồng. Hiện lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.
Riêng trần lãi suất huy động và cho vay vẫn được NHNN giữ nguyên. Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh, do Chính phủ kiên trì các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động tiền đồng thời gian tới không thể hạ nhiệt, một phần vì cầu tín dụng tăng, một phần vì NHNN sẽ duy trì lãi suất liên ngân hàng ở nền cao (4 - 5%) nhằm hạn chế găm giữ, đầu cơ tỷ giá. Lãi suất liên ngân hàng cao sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống, làm tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Shinhan dự báo, rất có khả năng tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm. Nhờ vậy, NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi.
Trước đó, chuyên gia phân tích của hàng loạt công ty chứng khoán như MBS, KBSV… cũng cho rằng, lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 với mức tăng khoảng 50 điểm cơ bản.
Riêng với lãi suất cho vay, Công ty Chứng khoán MBS nhận định: “Lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân cho rằng tốc độ tăng lãi suất hiện nay phù hợp với diễn biến thị trường. Làn sóng tăng lãi suất huy động sẽ làm cho kênh tiền gửi tiết kiệm trở nên hấp dẫn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, cho rằng dù lãi suất tăng là trái với mong muốn của Chính phủ, song là xu hướng tất yếu của thị trường trong bối cảnh tín dụng tăng gấp 3 - 4 lần tốc độ tăng của huy động vốn.
Theo ông Nghĩa, lãi suất tăng với tốc độ như hiện nay là “có lợi cho nền kinh tế”, giúp cân bằng các kênh đầu tư, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 1,5%. Tình trạng này kéo dài sẽ gây rủi ro cho thanh khoản hệ thống.
Vì vậy, các chuyên gia nhận định, lãi suất tăng là cần thiết, việc lãi suất tiền gửi bị “ép” giảm quá sâu sẽ khiến “bẫy thanh khoản” cũng như rủi ro bong bóng tài sản xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận