Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội) cho biết, khi các dự án đường sắt đô thị chính thức đưa vào khai thác, vận hành, người trực tiếp thực hiện công việc phục chạy tàu phải có giấy phép hoặc chứng nhận mới được thực hiện công việc.
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, ngoài lái tàu còn có chức danh nhân viên điều độ chạy tàu, phục vụ chạy tàu tại ga và hỗ trợ an toàn trên tàu đường sắt đô thị được quy định là các chức danh nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu đường sắt đô thị. Người đảm nhận các chức danh trên phải đáp ứng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn vị trí công việc.
“Các chức danh trên được quy định tại Thông tư số 33/2018 của Bộ GTVT (quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu...). Trong đó, lái tàu phải có giấy phép lái tàu được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp, các chức danh còn lại phải qua đào tạo, có chứng chỉ về nghiệp vụ mới được đảm nhận công việc”, Cục Đường sắt VN thông tin.
Nội dung thông tư cũng quy định, nhân viên điều độ chạy tàu tối thiểu phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên về điều hành, vận tải hoặc khai thác đường sắt đô thị; Có ít nhất 1 năm đảm nhận trực tiếp chức danh lái tàu hoặc nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga, nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ điều độ chạy tàu do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức sát hạch.
Nhân viên điều độ chạy tàu có nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chạy tàu theo biểu đồ, trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh tổ chức chỉ huy các tàu đi cứu chữa, cứu hộ, cứu viện khi có tai nạn sự cố chạy tàu. Nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga, nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn về vận tải hoặc khai thác đường sắt đô thị; Có thời gian thử việc và và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức sát hạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận