Dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính đang nhận được sự quan tâm của người dân
Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, nội dung quản lý tiền công đức tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.
Tiếp nhận từ 100 triệu phải gửi vào kho bạc
Vào tháng 4/2020, dự thảo đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến lần một. Từ đó đến nay, vẫn tiếp tục có những ý kiến tranh luận, đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Trong dự thảo mới nhất, thông tư quy định rõ: Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích phải mở sổ theo dõi thu, chi các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ; mở tài khoản gửi tiền công đức tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
Khi thực hiện kiểm kê thấy số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Đồng thời, phải thực hiện quyết toán hàng năm; công bố công khai, minh bạch việc thu, quản lý, sử dụng. Thông tư cũng quy định, các hòm công đức tại di tích, lễ hội phải được niêm phong và sử dụng tối thiểu hai loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hiện Trung ương Giáo hội đã nhận được hơn 30 văn bản của giáo hội các tỉnh và nhiều ý kiến người dân về dự thảo Thông tư trên của Bộ Tài chính. Đa số những ý kiến, góp ý gửi về đều đề xuất Bộ Tài Chính nên xem xét kỹ lưỡng về dự thảo bởi có nhiều nội dung trái Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường, qua đó đảm bảo sự công khai, minh bạch chứ không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…).
“Bởi, các chùa thờ Phật là các cơ sở Phật giáo, nếu được Nhà nước xếp hạng di tích thì các hoạt động Phật giáo tại các chùa đó vẫn diễn ra bình thường theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Việc xếp hạng di tích không đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa di tích”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho biết.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An thì đề xuất, cần cụ thể hóa đối tượng áp dụng Thông tư, như cụ thể hoá tiêu chí, phân loại di tích, lễ hội truyền thống.
Bởi trên thực tế, có nhiều công trình thờ tự xây dựng mới nhưng trên nền di tích cũ, hoặc có nhiều công trình/cơ sở thờ tự xứng đáng là di tích nhưng chưa được công nhận/không được đề nghị công nhận di tích; có những lễ hội mới được phục hồi trên cơ sở lễ hội truyền thống…
Cần nghiên cứu kỹ
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng, lâu nay vấn đề quản lý tiền công đức được dư luận đặc biệt quan tâm, đặc biệt là tính minh bạch. Chính vì vậy, việc quy định chi tiết cụ thể là cần thiết.
Thực tế hiện nay tại một số cơ sở thờ tự, việc quản lý tiền công đức thường do ban quản lý di tích của cơ sở thờ tự đó quản lý. Trách nhiệm giám sát chủ yếu thuộc về cộng đồng, việc minh bạch số tiền được công đức là bao nhiêu và sử dụng như thế nào cũng rất khó.
“Trước đây, chúng ta có Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo, đến năm 2016 có Luật Tín ngưỡng tôn giáo, có hiệu lực từ năm 2018. Điều này thể hiện hoạt động tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2013 cũng quy định, Nhà nước đứng ra quản lý các hoạt động văn hóa trong đó có cả hoạt động của tín ngưỡng và tôn giáo. Chính vì vậy, tôi ủng hộ chủ trương tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở thờ tự thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có quản lý hoạt động công đức. Nếu làm tốt, hoạt động công đức sẽ được đảm bảo được tính minh bạch”, TS. Nguyễn Ánh Hồng cho hay.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, hiện chưa có một văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào, chi ra sao.
Thông tư liên tịch 04/2014 của Bộ VH-TT&DL và Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc sử dụng tiền công đức, nhưng chỉ nói chung chung là “tiền tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai.”
Do đó, việc Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 110/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội là cần thiết.
Tuy nhiên, luật sư Bình nhìn nhận, từ trước đến nay, việc quản lý, thu chi tiền công đức luôn được coi là một vấn đề khó và nhạy cảm, do đó cần nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến nhiều bên liên quan: “Điều 56, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cũng quy định tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội, được ủy quyền cho nhà sư trụ trì trông coi và toàn quyền sử dụng. Vì vậy, tiền công đức đối với lễ hội và di tích tôn giáo, Nhà nước chỉ tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền trong các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận