Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban QPAN Quốc hội Hồ Trọng Ngũ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng... tại hội nghị trực tuyến về ATGT sáng nay 3/10 |
Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Thời gian qua rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra như vụ ở Đắk Lắk, Sa Pa khiến nhiều người tử vong. Đã phát hiện lái xe dương tính với ma túy, tình trạng đi sai luồng tuyến, xe dù, bến cóc, xe quá tải còn phổ biến... Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm, xử lý triệt để tình trạng này”.
Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ GTVT, Y tế, Công an và các địa phương đã khẩn trương thực hiện công tác cứu nạn, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ TNGT xe khách nghiêm trọng ở Sa Pa, Lào Cai, trong đó đã nhanh chóng đình chỉ ngay doanh nghiệp chủ quản.
Báo cáo tình hình trật tự ATGT 9 tháng, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014, toàn quốc xảy ra 18.697 vụ tai nạn, làm chết 6.758 người, làm bị thương 17.835 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.164 vụ (-14,47%), giảm 282 người chết (-4,01%), giảm 3.945 người bị thương (-18,11%).
14 địa phương có số người chết vì TNGT tăng cao
Trong 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014) có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Bắc Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Tháp.
Đặc biệt, có 2 tỉnh là Bắc Giang, Bắc Kạn giảm trên 30% số người chết vì TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 25% là: Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc.
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng báo cáo tình hình TT ATGT 9 tháng tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành |
Ông Hùng cho biết, trong 9 tháng qua, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giảm nhiều (trên 30%) dù thời gian qua có xảy ra vụ TNGT xe khách ở Lào Cai. Công tác đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh. hoàn thành đưa vào khai thác 50 công trình, dự án, xoá bỏ nhiều điểm đen, vị trí mất ATGT. Bộ GTVT đã thẩm định ATGT đối với các tuyến đường xây dựng mới đưa vào khai thác; phê duyệt và triển khai Kế hoạch bảo trì đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải năm 2014, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức giao thông, rà soát, bổ sung biển báo, đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt dải phân cách, hộ lan, phân tách làn phương tiện.
Lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục vụ tai nạn lật cầu treo Chu Va 6, tai nạn xe khách tại tỉnh Lào Cai; công tác khảo sát, thiết kế, thi công cầu treo Sam Lang; rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh; xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, bảo trì cầu treo dân sinh; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, hoàn thành thiết kế toàn bộ 186 cầu trước ngày 30/9/2014.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai mạnh, Sở GTVT các tỉnh đồng loạt kiểm tra sức khỏe lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải. Đã khám sức khoẻ 129.105/ 136.132 lái xe.
Phát hiện 1.769 trường hợp không đủ điều kiện gồm: 381 trường hợp dương tính với chất ma túy và 1.388 trường hợp không đủ sức khỏe do nguyên nhân khác. Các đơn vị vận tải đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với các đối tượng này. Các tỉnh, thành phố làm tốt gồm: Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương.
Các Sở, ban ngành đã tăng cường tuyên truyền pháp luật ATGT. Đặc biệt công tác đăng kiểm đã được nâng cao.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng chỉ ra nhiều hạn chế như TNGT còn cao, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải, kết cấu hạ tầng, tuần tra kiểm soát còn hạn chế. Giao thông nông thôn còn nhiều bất cập, dư luận còn phản ánh tiêu cực, ùn tắc giao thông trên một số tuyến.
Tại các khu công nghiệp, công nhân ùa ra các trục chính rất mất ATGT và gây TNGT. Cần có ngay chế tài, giải pháp mạnh mẽ để xử lý vấn đề này.
CSGT kiểm tra xe khách trên QL1 |
Ông Hùng cho biết Uỷ ban ATGT Quốc gia kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số nội dung sau:
Chỉ đạo triển khai nghiên cứu trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông Đường bộ 2008; xây dựng các Nghị định mới hoặc điều chỉnh, bổ sung Nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi làm cơ sở triển khai phù hợp điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP; sớm chấp thuận kinh phí của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT, BT; sớm chấp thuận chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT để khuyến khích Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Sớm xem xét, ban hành Nghị định quy định về niên hạn hoạt động của tàu cao tốc cánh ngầm.
Chỉ đạo Bộ Công thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh các loại xe hai bánh chạy điện và mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Chỉ đạo các Bộ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, phân bón, nông sản, xây lắp các công trình có sử dụng kết cấu siêu trường, siêu trọng, kinh doanh xăng, dầu... thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô, cương quyết không để tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải đi và đến các đầu mối hàng hóa của doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát tải trọng cả xe quân sự chở hàng hoá dân sinh, xử lý triệt để việc thao túng trạm cân.
Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Kinh phí không đủ đổ xăng đi tuần tra
Chủ tịch UBND Cà Mau Phạm Thành Tươi |
TNGT tại tỉnh còn cao, so với cùng kỳ tăng 5 người chết vì TNGT.
Thực trạng đường sá ở Cà Mau còn kém, chật hẹp, người dân đi đường không tuân thủ quy định. Mỗi hộ dân có trung bình 2 xe máy, người đi xe máy trên đường rất đông nhưng học luật không đến nơi đến chốn, có trường hợp xe tải đang đỗ ven đường mà người lái honda đâm luôn vào đuôi xe.
Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông, xử mạnh tay với các trường hợp đi sai làn, không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa sử dụng điện thoại…
Vấn đề Cà Mau đang vướng hiện nay là kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ không đảm bảo.
Năm 2013 chi 35 tỷ đồng, 2014 chỉ 10 tỷ đồng. Anh em không có đủ tiền xăng mà đi tuần tra, chưa nói tăng cường ban đêm, việc sử dụng kinh phí cho công an xã tham gia kiểm soát giao thông cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Tuần tra đường thuỷ chạy cano cứ 100km hết 10 lít xăng. Chưa đến cuối năm đã hết kinh phí, anh em không đi tuần tra được. Đề nghị Bộ Tài chính cấp phát kinh phí, điều này rất bức xúc.
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:
Nếu tỉnh có đủ tiền đã làm mạnh việc lắp camera giám sát vi phạm
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh |
Vừa qua, An Giang siết chặt kiểm tra tải trọng. Giám sát hành trình đã làm tương đối tốt. Vi phạm giao thông chủ yếu là uống rượu bia, không đội MBH, chạy quá tốc độ… TNGT tiếp tục giảm, nhưng giảm tiếp là cực khó.
Hiện An Giang trang bị cho công an xã mỗi nơi 2 xe máy để thực hiện đảm bảo ATGT nông thôn, phòng chống tội phạm. Hiện có chuyện là đường nông thôn tốt, bà con nhậu nhiều, nên dễ gây TNGT, cần tuyên truyền mạnh xây dựng văn hoá khu dân cư, bớt nhậu đi. Cán bộ thì không được uống rượu bia buổi trưa.
Hướng tới chúng tôi hiện đại hóa quốc lộ. TTKS đã làm nghiêm và giảm được TNGT, không dung túng nể nang bất cứ ai. 9 tháng qua phạt 77 nghìn vụ, trong đó, CSGT phạt hơn 75 nghìn vụ. Tổng số tiền phạt 91 tỷ đồng. Nơi nào xảy ra tai nạn nhiều thì chủ tịch huyện, xã phải chịu trách nhiệm.
Hiện uyện Long Xuyên và Châu Đốc đã giám sát camera, cần tiếp tục hiện đại hoá cách này, để người dân thấy luôn phải chấp hành luật, đi sai là bị phạt. Nhưng giờ tiền không có, nếu có nguồn tiền trích lại từ tiền xử phạt, tỉnh đã làm mạnh giám sát bằng camera.
Tôi đề nghị Phó Thủ tướng có ý kiến việc thực hiện Thông tư 137 và 199. Căn cứ Luật vi phạm hành chính, tiền xử phạt để lại 100% cho địa phương, không hiểu sao lại để lại 70% cho Bộ Công an. Chúng ta đang bỏ cơ chế xin cho, không nên để nguồn tiền này lại Bộ Công an rồi lại chờ phân bổ.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch UB ATGT Quốc gia:
Vừa qua, An Giang phạt nghiêm, phạt gần 100 tỷ trong 9 tháng, tỉnh nhiều phương tiện nhưng tai nạn liên tục giảm. Về vấn đề anh Tươi nói, tôi đi một số tỉnh đều thấy kêu lên Bộ Công an xin tiền, chẳng hiểu Thông tư nào thiết kế như vậy. Cần gỡ ở đâu? Cần giao cho địa phương chủ động, chút nữa đề nghị Bộ Tài chính giải thích vấn đề này.
Ông Trần Công Chánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Chủ tịch UBND Hậu Giang Trần Công Chánh |
Hậu Giang có “đặc sản” CSGT
Hậu Giang cũng đồng tình với Cà Mau và An Giang về sử dụng nguồn tiền xử phạt vi phạm giao thông. Về khen thưởng và xử phạt, đề nghị đơn vị có ít nhất 3 năm giảm TNGT mới được khen thưởng, tránh năm trước được khen năm sau bị phê bình.
9 tháng, TNGT ở Hậu Giang giảm so với cùng kỳ 31 vụ, người chết giảm 17%, bị thương giảm 57%. Đây là nỗ lực của tỉnh, ban ATGT tỉnh, địa phương và đơn vị được giao nhiệm vụ nòng cốt.
Tỉnh chỉ đạo liên tục, tuyên truyền cũng rộng khắp. Hàng tuần có xe thông tin lưu động tập trung dọc các khu dân cưu, trường học, xã phường phát thanh tuyên truyền ATGT, nêu gương tốt về ATGT. Mô hình đảm bảo ATGT của thanh niên xung phong, của CLB nông dân… khá tốt.
Tỉnh tăng cường kiểm tra hành lang lộ giới, biển báo được tu sửa thường xuyên. Đặc biệt CSGT nếu tỉnh phát hiện có vi phạm, tiêu cực sẽ trị nghiêm, chúng tôi có chiến dịch kiểm tra các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT, chấn chỉnh sai sót, sách nhiễu. CSGT đi làm chỉ được dùng bộ đàm, không bỏ qua lỗi của người đi đường.
Cả nước đồn Hậu Giang có “đặc sản” CSGT.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia:
Hậu Giang 4 năm liền liên tục giảm TNGT, 9 tháng của năm 2014, Hậu Giang cũng giảm tốt nhất. Chính phủ biểu dương Hậu Giang tuyên truyền tốt, xử phạt nghiêm. Đặc biệt là nâng cao đươc vai trò và hình ảnh của CSGT.
Ông Hoàng Công Lự - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai:
Ít kinh phí, Gia Lai chú trọng tổ tự quản an toàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự |
Nhận thấy TNGT nông thôn tăng mạnh, Gia Lai đã kiện toàn lại các Ban tự quản trên địa bàn từng xã phường, nhất là vùng sâu, vùng xa. Có quy chế hoạt động, chế độ chính sách, khen thưởng kỷ luật rõ ràng. Chi mỗi người 1 triệu đồng/1 tháng. Trực 24/24 chia làm 3 ca nên giảm được tai nạn. Trưởng Công an xã, các tổ tự quản phải xây dựng kế hoạch hoạt động và phải được phê dyệt. Công an tỉnh tập huấn chuyên môn cho các tổ tự quản.
Tổ này phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tại địa bàn để tuyên truyền tới người dân. Kết quả, 9 tháng, 500 thôn đã được phổ biến, số thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, hay vi phạm Luật giao thông đã được nhắc nhở, có chuyển biến. Trên 200 hộ có xe độ chế đã được tuyên truyền để chuyển đổi phương tiện.
9 tháng TNGT trên địa bàn tỉnh giảm 3 tiêu chí. giảm 22% vụ, chết và thương giảm 19%.
Gia Lai mỗi năm chỉ xử phạt khoảng 35 tỷ đồng tiền vi phạm giao thông, nếu không được bổ sung thêm chi thì phần tiền được trích lại không đủ đảm bảo hoạt động. Hiện một số huyện khó khăn quá nên không có kinh phí chi đảm bảo ATGT. Chúng tôi cũng kiến nghị sớm đẩy nhanh tiến độ các công trình trên địa bàn để phục vụ phát triển KT XH, AN QP và ATGT
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia: Kinh nghiệm của Gia Lai kiềm chế tai nạn giao thông nông thôn có thể vận dụng cho các địa phương khác. Việc thành lập các tổ tự quản có khen thưởng, vận động người dân và trực tiếp tham gia đảm bảo ATGT là rất tốt.
Ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch, Phó Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế:
Huế đã xử lý được tình trạng xe quá tải vượt trạm cân
Vừa qua, TT – Huế đã truy bắt xe quá tải đi vòng vèo né trạm cân, quy trách nhiệm cho từng đơn vị. Nếu xe vượt trạm thì trách nhiệm chính thuộc về kíp trực đó. Đến nay có thể khẳng định xe vượt trạm đã được xử lý.
Tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm tại TT – Huế giảm cả 3 tiêu chí nhưng nguy cơ còn lớn. QL1 đang mở rộng nên nhiều vụ tai nạn xảy ra trên tuyến.
Chúng tôi đang lập đoàn của tỉnh xử lý các điểm đen, tăng cường tuyên truyền tới người dân thông qua các tổ chức đoàn thể.
Tỉnh xin kiến nghị 100% tiền thu xử phạt ATGT giao cho địa phương, cam kết dành 70% cho lực lượng công an, chủ động hơn thì tỉnh lập ngay được dự toán chi, tăng cường cơ sở vật chất, xử lý điểm đen, chi cho hoạt động đảm bảo an toàn…
Ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An:
Chính phủ, các bộ ngành làm quyết liệt nên thuận lợi hơn
Tỉnh đã tăng cường thêm 3 cân điện tử để giảm xe quá tải ngay chân hàng. Các địa bàn trọng điểm chốt chặn trạm cân nên xe quá tải giảm nhiều, khoảng trên 60%. Tỉnh chỉ đạo bắt được xe quá tải, thùng hàng quá kích cỡ sẽ cho cắt ngay. Công an, thanh tra giao thông, Tổng cục Đường bộ VN phối hợp chặt, làm cương quyết. Các trường hợp báo chí nêu chúng tôi cũng kiểm tra ngay và xử lý nghiêm túc, chấn chỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo trực tuyến tại hội nghị |
Ông Đỗ Thông - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh:
Làm liên tục, thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, không chờ cao điểm
Quảng Ninh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi cảm nhận được chưa năm nào, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như năm nay.
Tại Quảng Ninh, hạ tầng được quan tâm đầu tư. Quản lý vận tải thì tăng cường chấn chỉnh quản lý luồng tuyến, chất lượng xe buýt, xe khách qua thiết bị giám sát hành trình. 9 tháng đình chỉ 38 trường hợp. Đường dây nóng tiếp nhận nhiều ý kiến người dân, xử lý kịp thời.
Riêng xe quá tải, phạt gần 6 tỷ đồng trong tổng số tiền phạt vi phạm giao thông 104 tỷ đồng.
Quảng Ninh là 1 trong 5 tỉnh thí điểm kiểm tra nồng độ cồn theo thông lệ quốc tế. 9 tháng xử phạt 10 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ý thức của lái xe tốt hơn hẳn.
Tai nạn tại Quảng Ninh 9 tháng giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là an toàn đường thuỷ vì nhiều luồng lạch, nhiều tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long.
Để giảm được tai nạn, bài học của Quảng Ninh là người đứng đầu có vai trò quan trọng. Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề ATGT. Bí thư trực tiếp chỉ đạo nội dung này. Ngăn chặn TNGT không phải là hoạt động phong trào mà phải làm thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi.
Chúng tôi đồng tình cao kiến nghị của Uỷ ban ATGT Quốc gia về 4 nội dung huy động các nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Mong Chính phủ sớm ban hành quy định triển khai dự án theo PPP.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch UB ATGT Quốc gia: Các đồng chí làm toàn diện, quyết liệt. Quảng Ninh cho thấy rõ 2 bài học: vai trò người đứng đầu. ATGT không phải chiến dịch mà cần làm quyết liệt liên tục mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt làm kiểm soát rất tốt nồng độ cồn, cần nhân rộng.
Ông Nguyễn Thanh Dương – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
68% tai nạn là do xe máy gây ra
Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai báo cáo tại hội nghị trực tuyến |
Xác định Lào Cai còn khó khăn về hạ tầng giao thông, ý thức của người tham gia giao thông còn kém, tai nạn xảy ra nhiều từ đường giao thông nông thôn kết nối ra quốc lộ, 68% tai nạn do xe máy gây ra trong 9 tháng 2014, nên Lào Cai tập trung tuyên truyền mạnh về Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường sắt tới bà con.
Kế hoạch tăng cường tuần tra kiểm soát vi phạm cũng được xây dựng cụ thể và triển khai quyết liệt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngắt lời: Địa phương quản lý xe dù thế nào, tại sao để xe từ bến xe thành phố chạy lên Sapa như thế? Trách nhiệm của Sở GTVT đến đâu?
Ông Nguyễn Thanh Dương: Báo cáo Phó Thủ tướng, chúng tôi đã tạm đình chỉ giấy phép của Minh Thành Phát, đơn vị chủ quản của nhà xe tai nạn, thu hồi toàn bộ phù hiệu xe của doanh nghiệp này. Sở GTVT đã kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan chuyên môn. Đang tăng cường CSGT kiểm tra phương tiện trên địa bàn, trọng tâm là xe khách.
9 tháng năm nay, số vụ TNGT giảm, giảm 1% số người chết vì TNGT, số người bị thương giảm 7%. Đến cuối năm, tập trung tuyên truyền trên địa bàn, đẩy mạnh mô hình điểm, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu về ATGT, tăng tuyên truyền đường phố tự quản.
Tỉnh kiến nghị sửa đổi Nghị định 171 về xử lý lái xe quá tải theo mức tăng dần, mỗi mức cách nhau 10%. Bộ GTVT cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 86 về kinh doanh vận tải ô tô, sớm cải tạo điểm đen trên QL 70, tăng biên chế cho TTGT.
Cần xử lý nghiêm xe quá tải, quá khổ trên đường cao tốc, tránh xe quay lại các tuyến đường của tỉnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Lào Cai bị mấy vụ tai nạn thảm khốc rồi. Nếu tai nạn là rất thảm khốc vì đèo cao, suối sâu, dốc đứng. Cần siết chặt quản lý vận tải, quản lý an toàn, hộ lan, ta luy phải đảm bảo. Không chỉ Lào Cai mà các tỉnh Tây Bắc cũng phải lưu ý, cùng kiểm soát an toàn vận tải, đặc biệt là xe quá tải. Mong không còn TNGT như vụ ở Lào Cai nữa.
Ông Nguyễn Hữu Tín - PCT Thường trực UBND TP. HCM
Xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín |
Chúng tôi gặp khó khăn trong xử lý xe quá tải, đã báo cáo nhưng chưa được giải thích.
Thực tế, khi dừng xe xử lý hàng hóa phải chịu trách nhiệm bảo quản, nếu hư hỏng, thất thoát thì người dừng xe và tháo dỡ phải chịu trách nhiệm.
Chưa có quy định dừng xe đậu vào nơi quy định và yêu cầu chủ hàng đến tháo dỡ. Cũng đã có chủ xe phản ứng, tuy nhiên, tinh thần của TP là làm quyết liệt nên cũng đã có chuyển biến.
Xe khách chở quá người, theo quy định thì cũng được dừng xe, nhưng số người thừa sẽ xử lý thế nào? Khi đưa bà con xuống chờ đợi xe khác tới chở, có bà con đồng tình, có bà con phản ứng. Cần có quy định cụ thể, Bộ GTVT và Bộ Công an cần hướng dẫn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TP HCM làm tốt giáo dục và tuyên truyền pháp luật. Tôi đến các tổ dân phố, các trường học, mọi người rất “thuộc bài” về ATGT.
Đây là kinh nghiệm của đô thị hàng chục triệu dân cần được các tỉnh khác học tập. Riêng về kiến nghị của TP xử lý xe quá tải, chở quá số người quy định, các cơ quan chức năng sẽ trả lời.
Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
Kiểm tra an toàn xe khách trước khi xuất bến
Đà Nẵng 9 tháng qua giảm cả 3 tiêu chí TNGT, không để đua xe trái phép và ùn tắc kéo dài. Cụ thể, giảm 24% vụ, giảm 26% số người chết và giảm 13% số người bị thương.
Có kết quả đó là do giải pháp đồng bộ: Tăng siết tải trọng xe (tháng họp 1 lần rà soát vướng mắc để xử lý); 100% ô tô lắp thiết bị giám sát hành trình, hiện đang thí điểm xe taxi; Kiểm tra tải trọng xe bố trí trực 24/24; tăng cường kiểm định ATKT phương tiện, sát hạch lái xe; kiểm tra xe an toàn trước khi xuất bến.
Ngoài ra, Đà Nẵng lắp loa phóng thanh trên nút giao thông chính để tuyên truyền ATGT. Phân làn đường ô tô và xe máy riêng trên các trục chính. Đảm bảo ATGT xây dựng cầu vượt các tổ cảnh giới.
Từ nay tới cuối năm, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến tổ dân phố, cấp ngành về ATGT; Siết xe quá tải, quá khổ; Cấm xe vượt tốc độ. kiểm tra an toàn trước khi xuất bến. Trong nội đô xử phạt nghiêm để người dân tuyệt đối tuân thủ quy định đội MBH.
TP kiến nghị sớm triển khai đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tiền xử phạt nên để lại địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đúng là nhiều địa phương đang lơ là kiểm soát MBH. Đề nghị tăng cường kiểm soát, phân luồng, nhắc nhở và xử phạt nghiêm các trường hợp không đội MBH.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội:
Hà Nội sẽ tăng xử phạt qua hình ảnh
Vừa qua, Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm xe dù, bến cóc, xử lý quá tải. Thực tế thì việc đổi phù hiệu taxi có hiệu ứng tích cực, hạ tầng giao thông tốt lên nên ùn tắc và tai nạn giao thông đã giảm.
Hà Nội đang nỗ lực đưa khoa học công nghệ vào quản lý, đảm bảo ATGT, đưa Trung tâm điều hành giao thông hiện đại, đồng bộ vào hoạt động, điều hành tín hiệu theo các chu kỳ, tăng xử phạt qua hình ảnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các thành phố lớn rút kinh nghiệm chung, các đồng chí có lực lượng CSGT, TTGT mạnh lại vừa khánh thành trung tâm điều khiển và phạt qua hình ảnh, các đồng chí phải loại bỏ xe dù, bến cóc, đẩy mạnh giáo dục pháp luật, quy định về an toàn giao thông để giảm tai nạn, để bà con đi lại an toàn hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:
Nếu để TNGT do tổ chức thi công kém, Ban QLDA phải chịu trách nhiệm
Năm 2014, Bộ GTVT và các địa phương quyết liệt tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ.
Hạ tầng đã giao Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT thông qua Quỹ Bảo trì đường bộ xử lý đường êm thuận, cơ bản giải quyết điểm đen; Đẩy nhanh xây dựng cầu vượt đường sắt (đã giải quyết được 90% cầu vượt). Hết 2015, cơ bản hoàn thành xong cầu vượt đường sắt. Bộ GTVT đang giao Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng đường ngang cảnh báo tự động từ xa. Đây là giải pháp mới, có thể giải quyết được tình trạng mất an toàn tại nhiều điểm giao cắt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại hội nghị trực tuyến |
Trong khi đồng loạt triển khai mạnh mẽ mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA và Sở GTVT giám sát, không để TNGT thi công không đảm bảo an toàn. Nếu để TNGT do tổ chức thi công kém, phải chịu trách nhiệm.
Về vận tải, tháng 11, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn thực thiện Nghị định 86. Hiện Bộ chủ trương hạn chế xe giường nằm đi đường miền núi không đủ tiêu chuẩn an toàn phù hợp loại xe này. Về quản lý vận tải, lái xe phải kiểm tra sức khoẻ, sắp tới kiểm tra lái xe taxi, quyết loại bỏ tài xế nghiện.
Về đăng kiểm, yêu cầu các trung tâm đăng kiểm không đăng kiểm cho xe cơi nới, xe cắt thùng rồi mà tái phạm sẽ vĩnh viễn không cấp đăng kiểm để lưu hành.
Xe chất hàng quá tải lên xe cũng bị phạt nặng, các cảng biển để xe chở hàng quá tải không xử lý sẽ bị đình chỉ.
Đáng lưu ý là việc giám sát hành trình qua thiết bị giám sát, thu hồi đăng ký, phù hiệu của doanh nghiệp vi phạm chưa nhiều. Hiện mới có 37/63 địa phương thực hiện được điều này.
Ngay cả với phương tiện thuỷ, Bộ GTVT cũng sẽ thống nhất lắp thiết bị định vị để phát hiện vi phạm.
Về tuần tra kiểm soát, sắp tới nên có hội nghị chuyên đề về vấn đề này, làm thế nào giảm được xử phạt và cân tải trọng như hiện nay nhưng hiệu quả quản lý phải được nâng cao.Hiện chúng ta đang cân bằng trạm cân di động nhưng được đặt cố định. Hướng phát triển là với QL1 và QL14, có nhiều trạm BOT, sẽ đặt các thiết bị trạm cân động phục vụ kiểm soát sơ bộ xe quá tải, sau đó sẽ hướng dẫn xe có dấu hiệu vi phạm vào trạm chính để cân. Lắp camera để phạt nguội, thực hiện từng bước trang bị toàn bộ camera tại quốc lộ.
Trả lời các kiến nghị của địa phương về vốn cho một số dự án giao thông bị đình hoãn..., Bộ GTVT đang đang trình CP nguồn trái phiếu Chính phủ nới lỏng Nghị quyết 11. Từ 2015, sẽ có thể giải quyết một số trường hợp địa phương kiến nghị.
Về cấp phép thủy nội địa, Bộ GTVT ghi nhận các phản ánh của địa phương và giao Cục Đường thuỷ nội địa VN làm việc với địa phương và doanh nghiệp để cấp phép. Tuy nhiên, cấp phép tạm chỉ được một thời gian thôi.
Việc sử dụng kinh phí cho hoạt động đảm bảo ATGT từ nguồn xử phạt thì đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công an phát biểu thêm.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an
Không có chuyện xin - cho từ nguồn thu xử phạt
Trung tướng Đỗ Đình Nghị đề nghị các địa phương hiểu đúng chuyện sử dụng kinh phí từ nguồn thu xử phạt |
Quán triệt chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, UB ATGT Quốc gia, 9 tháng qua, Bộ Công an có 35 kế hoạch và công văn chỉ đạo trong lĩnh vực ATGT. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc, lựa chọn tuyến trọng điểm, tăng tuần tra kiểm soát và hỗ trợ địa phương. Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Một số chuyên đề được lựa chọn để triển khai như kiểm tra nồng độ cồn theo thông lệ quốc tế, dư luận đồng tình cao, hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ sớm nhân rộng mô hình này.
Trong thời gian qua có một số vấn đề nổi cộm như tiêu cực trạm cân, ngoài tập huấn lựa chọn cán bộ, Bộ Công an giao Thanh tra Bộ và Công an các địa phương kiểm tra. Vụ phức tạp giao CSHS giải quyết như dẫn xe quá tải né trạm cân, cấu kết tiêu cực trạm cân. Để giải quyết được các vấn đề này, CSGT các địa phương không làm mạnh sẽ không hiệu quả.
Về việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm, không có chuyện xin – cho ở đây. Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho rằng nếu theo Nghị định 89 thì phải sử dụng theo Luật Ngân sách.
Theo Thông tư của Bộ Tài chính, tháng 10 các địa phương và công an phải có dự trù chi tiêu. Trên cơ sở đó chi hết 100% cho bảo đảm ATGT và các địa phương, còn lại lập dự án mua phương tiện.
Kinh phí của các địa phương đều được để lại 100%.
Bộ Công an khi được CP phân bổ đều đã phân bổ hết cho địa phương, chứ không phải giữu lại trên TƯ.
Từ 1/7/2013, CSGT làm trực tiếp ATGT không được cấp tiền bồi dưỡng. Chính phủ gần đây cũng đã quy định phải chi bồi dưỡng cho anh em, vừa rồi mới được tháo gỡ. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp. Các địa phương cũng phải chia sẻ với Bộ Tài chính. Do giám sát của QH yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đó.
Ông Trương Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Nội dung chi không đổi, nhưng nên đổi cách làm
Trước 1/7/2013, bên cạnh nguồn tiền từ Ngân sách, có nguồn thu xử phạt để hỗ trợ nên không đưa khoản thu từ xử phạt vào cân đối ngân sách, nộp vào tài khoản. Theo quy định công an được sử dụng 70% số tiền này. Có 12 nội dung chi cụ thể từ tuyên truyền, mua sắm thiết bị…, Sở Tài chính căn cứ theo Thông tư 89 sẽ tự động chuyển tiền theo quy định.
Tuy nhiên, từ khi Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định tất cả tiền xử phạt phải đưa vào ngân sách. Chính phủ có quyết định phân bổ dự toán, tất cả khoản thu phạt hành chính vào ngân sách địa phương. Riêng khoản thu từ xử phạt giao thông thì 70% Trung ương và 30% địa phương, có Thông tư 199 hướng dẫn. Sau đó là Thông tư 153 hướng dẫn. Nội dung chi không có gì khác, như Thông tư 89. Chỉ khác là tất cả phải đưa vào quản lý ngân sách.
Bộ CA phải tổng hợp dự toán của CA các địa phương thành tổng hợp chung.
Chúng tôi ghi nhận các ý kiến đề nghị để lại 100% cho địa phương tại cuộc họp này, đề nghị phải họp bàn thêm. Nội dung chi không đổi, chỉ cách làm thôi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch UB ATGT Quốc gia:
Mục tiêu cả năm kéo giảm dưới 9.000 nghìn người chết do TNGT
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về ATGT |
Sau cuộc họp này sẽ có cuộc họp để giải quyết thấu đáo chuyện sử dụng nguồn tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sao cho hiệu quả.
Nhìn lại 9 tháng qua, TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí mà Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu, trong điều kiện thi công nhiều công trình lớn như QL1, đường HCM qua Tây Nguyên và phương tiện không ngừng tăng. Đây là cố gắng lớn của các ngành, địa phương và lực lượng chức năng. Mừng là có 45 địa phương giảm số vụ và người chết, chỉ 6 địa phương để tăng số người chết vì TNGT trên 22%.
Qua đây có thể thấy nhiều bài học kinh nghiệm tốt, có thể nhân rộng.
Vừa qua, 3 TP lớn giảm được ùn tắc là do có cầu vượt và nhiều hạ tầng được nâng cấp, làm mới. Chúng ta đã siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và tải trọng phương tiện, tăng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến. Tuyên truyền pháp luật ATGT được đẩy mạnh. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông làm rất tốt tuyên truyền ATGT. Công tác quản lý vận tải, đào tạo lái xe, đăng kiểm đã có nhiều chuyển biến tiến bộ… Kiểm soát trọng tải đã có cố gắng nhưng chưa tốt, vẫn còn nhiều cò mồi dẫn xe quá tải vượt trạm, còn biểu hiện tiêu cực. Sẽ có hội nghị bàn sâu vấn đề này.
Tuy nhiên, tồn tại còn nhiều, tai nạn tại nông thôn còn nhiều, đặc biệt là có vụ TNGT nghiêm trọng. Tôi rất nóng ruột. Như vụ TNGT ở Sapa ngày 1/9. Tại các vùng nông thôn, cứ phóng xe bạt mạng. Đường ngang dân sinh tồn tại nhiều.
Tôi yêu cầu 5 tỉnh để tăng TNGT 25% phải phân tích rõ nguyên nhân, có giải pháp cụ thể khắc phục.
Về xe quá tải, đề nghị Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt phải ra quân chỉ đạo nghiêm, các tỉnh phải chỉ đạo mạnh mẽ hơn. Dư luận về tiêu cực của thực thi công vụ vẫn còn. Từng Sở GTVT và Công an các tỉnh phải rà soát. Hình ảnh trước dân phải đẹp hơn, nghiêm túc hơn. Phải làm thường xuyên, không phải theo phong trào. Mức độ ứng dụng công nghệ trong TTKS còn thấp. Nếu cứ làm thủ công mãi không được. Đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát trải trọng tại QL1 để tránh phá đường. Bộ GTVT đánh giá toàn diện về quy hoạch này. Đồng thời, đảm bảo cầu đường an toàn cho bà con đi lại, các tỉnh tiếp tục rà soát cầu treo, đừng để tai nạn xảy ra như vừa qua, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Mục tiêu là kéo giảm dưới 9.000 nghìn người chết do TNGT. Phải cố gắng lắm mới làm được, đây là nhiệm vụ chính trị, không được làm đối phó.
Tôi giao Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì mời Bộ Tài chính và Bộ Công an họp bàn phương án sử dụng tiền phạt, đảm bảo cho địa phương, chống cơ chế xin cho. Các địa phương kêu rất nhiều về vấn đề này. Bất cập phải sửa.
Phải tập trung rà soát, bổ sung văn bản ATGT, từ thu Quỹ bảo trì đối với mô tô, xử lý lái xe nghe điện thoại, đến quy định rõ tuyến nào xe khách giường nằm được hoạt động để đảm bảo an toàn.
Điều kiện kinh doanh vận tải phải siết chặt. Chủ phương tiện phải có trách nhiệm. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tuyến vận tải cố định, tăng quản lý giao thông thủy và phương tiện cánh ngầm.
Phải bảo đảm ATGT đường sắt, nhất là khi mưa bão, tiếp tục xóa đường ngang… Tái cơ cấu thị phần và kết nối phương tiện vận tải.
Phải nâng cao cách quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, đặc biệt là điều kiện kinh doanh nhập khẩu xe đạp điện.
Bộ Công an phải chỉ đạo công an các địa phương kiểm tra tải trọng xe, tăng TTKS ứng dụng CNTT, xử lý nghiêm vi phạm. Kết hợp đảm bảo ATGT với phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Phối hợp Bộ Tài chính xây dựng lộ trình xử lý vi phạm ATGT qua ngân hàng, chủ trì xây dựng chính sách quốc gia phòng chống lạm dụng rượu bia.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng điều kiện về Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với toàn bộ xe hai bánh chạy điện nhập khẩu trước khi làm thủ tục thông quan. Hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ôtô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký của xe.
Hội nghị trực tuyến về ATGT có sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành trên cả nước |
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về ATGT trên báo chí tại các buổi giao ban hàng tuần, hàng tháng, đặc biệt trong đợt cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2015.
Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư quy định về Tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe ô tô, Thông tư quy định hoạt động y tế, sơ cấp cứu trên đường cao tốc và cơ cấu tổ chức bộ máy cho hoạt động cứu nạn. Tăng cường tập huấn phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu cho người bị TNGT trong cộng đồng, trước mắt thí điểm tập huấn cho đội ngũ lái xe taxi, xe chở khách và tình nguyện viên. Chỉ đạo Sở Y tế, các Trung tâm Y tế tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng công tác khám sức khỏe đối với lái xe, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong tổ chức thực hiện.
Nếu phát hiện lái xe nghiện thì rút bằng lái ngay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục ATGT cho giảng viên một số trường đại học, cao đẳng; tiếp tục tổ chức cuộc thi “Giao thông thông minh” trên Internet cho học sinh tiểu học, THCS, THPT trong năm học 2014-2015.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Thông tư quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện truyền thông, quy định rõ nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Phối hợp với các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tuyên truyền về tiêu chí “Văn hóa giao thông” đến người tham gia giao thông.
Bộ Quốc phòng tăng cường hoạt động TTKS, duy trì nghiêm việc chấp hành các quy định pháp luật, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội đối với người điều khiển phương tiện quân sự khi tham gia giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT gây hậu quả nghiêm trọng. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT trong toàn quân, duy trì và phát huy, nhân rộng các mô hình xây dựng địa bàn điểm, đơn vị điểm về ATGT; tích cực tham gia với địa phương trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông.
Các Bộ, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tới từng người dân quy định pháp luật về giao thông vận tải, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ; kiện toàn mô hình tổ chức của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Chú trọng kiểm soát ngăn chặn vi phạm chở quá tải từ nơi xếp hàng; sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm cho công kiểm soát tải trọng xe; duy trì hoạt động của trạm KTTTX 24/24h và 7 ngày trong tuần. Xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng, nâng cấp, bảo trì đường bộ đồng thời triển khai phương án bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng trong mùa mưa lũ; khẩn trương rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên đường bộ, mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định, vận tải xe buýt, dịch vụ vận tải taxi trên địa bàn; rà soát hành lang an toàn đường bộ, các nút giao thông, các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông và có biện pháp cảnh báo hoặc khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố. Xác định các điểm mất an toàn trên đường giao thông nông thôn, đặc biệt là các cầu treo, cầu dân sinh, tạm ngừng khai thác những công trình không đảm bảo an toàn, khẩn trương tổ chức duy tu, sửa chữa khắc phục để nhân dân đi lại an toàn; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị thi công công trình xây dựng, bảo trì chú trọng công tác bảo đảm giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông do việc thi công các công trình.
Đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020. Cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép. Bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; phân cấp quản lý và gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương trong việc để xảy ra các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với: tàu, thuyền kinh doanh vận tải khách du lịch không bảo đảm an toàn; các cảng, bến thủy nội địa cho tàu thuyền chở khách du lịch ra, vào đón trả khách trái quy định. Gắn trách nhiệm lãnh đạo xã nếu để xảy ra tai nạn đò ngang trên địa bàn quản lý do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn, chở quá số người quy định, đò ngang không có đủ phao cứu sinh.
Kiện toàn mô hình tổ chức lực lượng bảo đảm TTATGT nông thôn tại cấp xã với nòng cốt là lực lượng công an, dân phòng đồng thời huy động lực thanh niên tình nguyện, các đoàn thể chính trị, xã hội, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín tại thôn, bản, cụm dân cư để làm công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo đảm trật tự an toàn giao thông của nhân dân.
UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động giao thông. Đẩy nhanh việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải trong đô thị lớn.
3 tháng còn lại phải giảm hơn nữa TNGT.
Anh Thiện - Linh Dương - P.Thanh (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận