Đội CSGT số 4 (thuộc Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn một người tham gia giao thông trên phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội |
Mặc dù lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được hơn 10 ngày và suốt từ đó đến nay, việc tuyên truyền đã được tiến hành rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng song nhiều người vi phạm khi bị dừng xe vẫn “ngớ người” vì không hiểu sao lại bị CSGT “hỏi thăm”.
Tốn tiền nhậu, mất tiền phạt
Trưa 25/12, có mặt tại chốt kiểm tra của Tổ công tác Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) trên đường Hoàng Hoa Thám - Ngọc Hà (quận Ba Đình), do Thượng úy Đỗ Thanh Tùng làm Tổ trưởng, PV Báo Giao thông ghi nhận khá nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Trường hợp đầu tiên là người điều khiển xe máy BKS 29M1-247... khi được CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra, người này loạng choạng bước xuống xe, mặt đỏ gay. Khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người này xuất trình GPLX mang tên Nguyễn Ngọc T. (SN 1980, ở Thanh Trì, Hà Nội). Giọng nói sặc sụa mùi rượu nhưng T. vẫn cố thanh minh: “Em đi... nắng nên mặt đỏ chứ có uống rượu, bia gì đâu, các anh bỏ qua cho”. Kết quả đo nồng độ cồn cho thấy, T. vi phạm 0,277 miligam/lít khí thở.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an Hà Nội, tính từ ngày 15/12 đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã kiểm tra và lập biên bản 214 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm vượt quá nồng độ cồn, phạt tiền 324.740.000 đồng. Trong đó, mô tô 198 trường hợp, ô tô 16 trường hợp; Tạm giữ 16 bộ giấy tờ, 214 phương tiện và tước GPLX 214 trường hợp vi phạm. |
Tương tự là trường hợp người điều khiển xe máy BKS 98B1-451... khi CSGT dừng xe, anh này chân bước không vững, chỉ chực ngã. Nồng độ cồn đo được của người điều khiển chiếc xe này (Dương Văn T., SN 1984, ở Yên Dũng, Bắc Giang) là 0,289 miligam/lít khí thở. T. cho biết, đi liên hoan họp lớp nên quá chén chứ không cố tình. Còn trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), địa bàn do Đội CSGT số 1 quản lý, nồng độ cồn đo được của người điều khiển xe máy BKS 30F9-488... có tên Cao Thanh Đ. (SN 1970, ở Long Biên, Hà Nội) lên tới 0,532 milligam/lít khí thở.
Cả ba trường hợp trên đều bị xử phạt tiền từ 750.000 - 2.500.000 đồng, tước GPLX từ 1-3 tháng, giữ xe 7 ngày. Khi biết số tiền mà mình sẽ phải nộp phạt cao, Đ. mếu máo: “Biết phạt nặng thế này em đã chẳng đi xe, thôi từ nay em xin chừa, đã uống rượu thì đi xe buýt hay xe ôm cho lành”.
Khá nhiều người bất ngờ khi được CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn |
CSGT mật phục, quán nhậu... mật báo
Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội CSGT số 2 cho biết, qua nắm tình hình, tuyến đường Hoàng Hoa Thám - Ngọc Hà tập trung khá nhiều quán bia, nhà hàng... Rất nhiều thực khách uống rượu, bia say vẫn điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm cho bản thân và cả những người tham gia giao thông khác. “Theo kế hoạch, Đội CSGT số 2 đã bố trí lực lượng hóa trang trinh sát tại cửa các quán, khi phát hiện các trường hợp trong quán đi ra, có biểu hiện lái xe say rượu sẽ dùng bộ đàm thông báo cho Tổ công tác gần đó dừng xe kiểm tra nồng độ”, Thiếu tá Hải cho biết.
Tuy nhiên, cũng không hiếm các trường hợp các quán nhậu, nhà hàng cắt cử người... theo dõi lại lực lượng CSGT rồi mật báo cho thực khách. “Mình cắt cử một chiến sỹ mật phục thì quán nhậu cử tới 2-3 người theo dõi CSGT. Khi thấy CSGT xuất hiện họ báo lại với khách ở trong quán, bảo khách để xe lại gọi taxi đưa về hoặc ngồi lại chờ cảnh sát rút đi”, một chiến sỹ CSGT cho biết.
Trong khi đó, theo Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội CSGT số 1, quá trình kiểm tra xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia đều rất mất thời gian. CSGT phải kiên trì giải thích, người bị kiểm tra mới chấp nhận đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, đối với người vi phạm nồng độ cồn, cán bộ chiến sỹ CSGT luôn mềm mỏng trong việc giải thích, nhưng cũng kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian tới Công an Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tới các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền sở tại nơi có các nhà hàng, quán nhậu. Tuy nhiên, khi kiểm tra chuyên đề này, Công an Hà Nội đã quán triệt đến tất cả các cán bộ, chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ là phải kiên trì, giải thích thuyết phục. Riêng các trường hợp vi phạm không hợp tác hay chống đối thì sẽ bị xử lý nghiêm. “Tôi tin rằng, nếu làm quyết liệt chắc chắn vi phạm và TNGT sẽ giảm rõ rệt”, Thượng tá Hải nói.
Văn Huế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận