Hạ tầng

Lâm Đồng: Đột phá phát triển giao thông nông thôn

11/09/2017, 21:52

Nhờ đột phá phát triển giao thông nông thôn, đến nay 90/117 xã của tỉnh Lâm Đồng có hạ tầng giao thông...

47

Kết quả phát triển GTNT thời gian qua đã được đánh giá cao tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Sở GTVT Lâm Đồng

Đường bê tông “thắp sáng” làng quê!

Dẫn chúng tôi đi trên các con đường liên thôn (thuộc xã Đình Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã bê tông hóa sạch sẽ, hai bên trồng hoa rất đẹp thẳng tắp, ông Hàn Văn Chúc, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Di Linh tự hào: “Từ năm 2011, chương trình Nông thôn mới đã lan tỏa khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Tại Di Linh, chương trình Nông thôn mới được người dân đồng thuận rất cao. Đặc biệt có xã như Tân Châu đã hoàn tất 18/18 tiêu chí để đạt chuẩn Nông thôn mới. Người dân Tân Châu đã đóng góp 7,3 tỷ đồng cùng nguồn vốn Nhà nước để thảm nhựa, bê tông hóa, rải đá cấp phối 16,5km đường liên thôn; 11km đường ngõ xóm; mở rộng 20km đường nội đồng. Có thể khẳng định, chủ trương “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” đã giúp cho bộ mặt giao thông nông thôn (GTNT) Lâm Đồng từng ngày, từng giờ đổi thay. Đường sá đi lại thuận lợi, bà con phấn khởi, GTNT thuận lợi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân”.

"Ngoài giao thông đối nội, giao thông đối ngoại cũng đang tốt lên, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác, sử dụng một số tuyến giao thông quan trọng như: QL20 đoạn Dầu Giây - Đà Lạt, QL28 (đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4), QL27 (đoạn Phi Nôm - Eo Gió); nâng một số tuyến đường tỉnh lên thành các tuyến quốc lộ như: QL28B, QL27C; tiếp tục đầu tư tuyến QL20 đoạn tránh đô thị TP Bảo Lộc, Bộ Quốc phòng tiếp tục đầu tư đường Trường Sơn Đông qua địa bàn tỉnh..."

Ông Trương Hữu Hiệp
Phó ban Thường trực
Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng

Thực hiện tốt chương trình Nông thôn mới, bê tông hóa đường quê, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung ưu tiên khoảng 2.366 tỷ đồng cho đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông (chiếm 28% vốn đầu tư phát triển của tỉnh) để đầu tư khoảng 252 km đường tỉnh, đường đô thị và đường huyện. Về phát triển GTNT, thực hiện theo phương thức “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư khoảng 2.018km đường và 1.549m cầu với tổng kinh phí là 2.516 tỷ đồng, tỷ lệ cứng hóa đạt 66,42%. Đến nay, toàn tỉnh có 90/117 xã đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới…

Hạ tầng giao thông phát triển đã làm cho số lượng phương tiện và sản lượng vận tải tỉnh Lâm Đồng ngày càng tăng và phát triển mạnh với hơn 25.000 xe các loại; khối lượng vận chuyển hàng hóa đến nay đạt 7.835 ngàn tấn/năm; khối lượng vận chuyển hành khách 33.076 ngàn người/năm. Trong đó, số lượng taxi tăng 2,5 lần so với năm 2010 với khoảng 950 phương tiện; xe buýt được duy trì, phát triển với 7 tuyến buýt từ TP Đà Lạt đến các huyện của tỉnh.

Đồng bộ nhiều giải pháp, đưa mạng lưới giao thông phát triển

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, Phó ban thường trực Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Xác định nguồn lực để phát triển KT-XH Lâm Đồng, Sở GTVT tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH, trước hết là các công trình giao thông thiết yếu, ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, phát triển hạ tầng nông thôn, nông nghiệp theo hướng bền vững, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông đang còn dở dang; hoàn thiện nâng cấp các tuyến đường tỉnh 721, 722, 725 và các trục đường tỉnh quan trọng 724, 727, 728,729... và đường vành đai đô thị TP Đà Lạt. Tiếp tục đầu tư nâng cấp đường đô thị đáp ứng tiêu chí đô thị đã được xếp hạng; đầu tư 100% các đường đến chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp; 100% các xã có đường bê tông nhựa đến trung tâm xã; toàn bộ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, tất cả hệ thống cầu, cống được xây dựng kiên cố.

Để tiếp tục phát huy nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Lâm Đồng, trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017, Sở GTVT đã đưa ra một loạt các giải pháp tập trung thực hiện như: Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với hạ tầng GTVT; Tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, đồng thời tích cực huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế dưới nhiều phương thức đầu tư như: BOT, BT, BTO, PPP, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng... để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (đường cao tốc, các quốc lộ, đường tỉnh và cầu yếu trên địa bàn); Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”, đồng thời có cơ chế chính sách đối ứng và huy động vốn đóng góp của đơn vị, tổ chức, nhân dân để phát triển đường GTNT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.