Công trình sẽ đi qua phường 3, 4, 5, dài gần 7,5km; Điểm đầu kết nối với đường Trúc Lâm Yên Tử (giao với đèo Prenn); điểm cuối tuyến là ngã tư giao với đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Đình Quân.
Trung tâm TP Đà Lạt sẽ thông thoáng hơn khi tuyến đường vành đai hoàn thành
Tuyến đường được thiết kế với tốc độ 40km/h, nền đường rộng 20m, mặt đường rộng 10m, vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 5m. Trên tuyến có xây dựng cầu Suối Tía bên cạnh cầu cũ tại lý trình Km 2+490 với chiều dài hơn 37m.
Công trình do Sở GTVT Lâm Đồng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6/2023.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ QL20 lên TP Đà Lạt có 2 tuyến đường chính là đèo Prenn và đường Mimosa, thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn, nhất là dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ khi du khách đổ về Đà Lạt đông.
Trong nội thành Đà Lạt, UBND thành phố nhiều thời điểm kỳ nghỉ lễ cũng cấm xe tải lưu thông trên 14 tuyến đường chính để tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc nội đô.
Chính vì vậy, dự án đường vành đai TP Đà Lạt được kỳ vọng là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông cho đường đèo Prenn và TP Đà Lạt, nhất là vào các dịp lễ hội.
Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Đà Lạt theo tiêu chí của đô thị loại 1. Qua đó, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đô thị TP Đà Lạt với hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh.
Các phương tiện lên Đà Lạt qua trạm thu phí chân đèo Prenn khoảng 4,5km sẽ có 2 sự lựa chọn đi thẳng hoặc rẽ trái, từ đó giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên đèo Prenn.
Phía trong nội thị TP Đà Lạt, hàng loạt tuyến đường như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ, vòng xuyến Hoàng Văn Thụ - Trần Phú… cũng sẽ được giải phóng lưu lượng phương tiện dồn ứ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, tháng 1/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Trong đó, tuyến đường vành đai được xác định góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thị Đà Lạt, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương và cần được khởi công sớm nhất.
Còn theo ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, đây là tuyến đường mang tính chiến lược, bền vững đã được các cơ quan có thẩm quyền tính toán kỹ lưỡng và tập trung triển khai thực hiện.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông đô thị của TP Đà Lạt và Bảo Lộc đồng bộ với các đường tránh qua các trung tâm đô thị để hình thành kết cấu đô thị hoàn chỉnh.
Cụ thể, đường tránh QL20 qua thị trấn Liên Nghĩa; Đường tránh QL20 và QL28 qua thị trấn Di Linh; Đường vành đai qua thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), đường vành đai qua thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà)...
Cùng đó là tuyến đường vành đai phía Bắc dài 15,2km và phía Nam dài 13,8km tránh QL20 qua TP Bảo Lộc; Đường tránh phía Tây TP Bảo Lộc phục vụ vận chuyển Bauxit…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận