Quyết liệt duy trì xử lý nồng độ cồn, ma tuý
Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/12/2023, toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ TNGT, làm chết hơn 11.600 người, bị thương gần 15.300 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết, tăng 660 người bị thương.
Thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", ngành công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Năm qua đã xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm), trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang.
Đối với tài xế sử dụng chất ma tuý, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc cũng quyết liệt xử lý, phát hiện trên 2.000 trường hợp điều khiển phương tiện trong người có chất ma tuý. Thực hiện kiểm tra thí điểm 15 ngày trên tuyến quốc lộ 20 từ TP.HCM đi Lâm Đồng phát hiện gần 200 trường hợp tài xế có ma tuý, tiềm ẩn rủi ro gây TNGT, rất đáng lo ngại.
Ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận: Nhờ sự ra quân quyết liệt của lực lượng CSGT, đến nay, người dân cũng đang dần hình thành văn hoá "đã uống rượu bia không lái xe", góp phần quan trọng kéo giảm TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, đặc biệt là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 03/1/2023, tổng số lượt bệnh nhân khám, cấp cứu TNGT có 487.841 trường hợp, trong đó, số trường hợp TNGT có vi phạm nồng độ cồn trong máu là 60.038 trường hợp.
Sử dụng rượu bia, chất ma tuý tham gia giao thông khi gây tai nạn sẽ để lại hậu quả rất lớn, do đó, năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc cần tiếp tục duy trì ra quân quyết liệt xử lý các vi phạm này, góp phần kéo giảm TNGT, đảm bảo ATGT cho mọi người, mọi nhà.
Siết chặt, xử nghiêm vi phạm liên quan xe kinh doanh vận tải
Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hoá bằng container trên toàn quốc năm 2023, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 65.000 trường hợp vi phạm, TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách và xe container giảm cả 3 mặt so với thời gian trước liền kề (TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách đã giảm 34,09% số vụ, giảm 18,48% số người chết và giảm 47,87% số người bị thương, TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container giảm hơn 42,50% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 21,42% số người bị thương).
Song, Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết, tình trạng xe vận tải hành khách, hàng hoá vi phạm TTATGT rất lớn, nhiều doanh nghiệp vận tải bất chấp an toàn tính mạng của người dân, người tham gia giao thông, hành khách; đưa các phương tiện không đủ điều kiện tham gia giao thông, giao xe cho người không đủ điều kiện, người nghiện ma tuý điều khiển, từ đó gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng, đơn cử như vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi năm 2023.
Chính vì vậy, năm 2024, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chuyên đề kiểm soát, xử lý xe kinh doanh vận tải.
Cụ thể, ngày 10/1, Cục CSGT đã ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu Xuân 2024, diễn ra từ nay đến ngày 9/3.
Đại diện Cục CSGT cho biết, đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là xe kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn.
Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, kiểm soát xe kinh doanh vận tải là một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT, xe vận tải hành khách chở số lượng người rất lớn trong khi xe kinh doanh vận tải chở hàng hoá tải trọng nặng khi gây tai nạn, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.
Chú trọng đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, năm 2023, TNGT liên quan đến học sinh rất đáng lo ngại với 1.552 vụ, làm 502 học sinh tử vong, 1.113 cháu bị thương.
Ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận: So với năm 2022, số học sinh tử vong do TNGT có xu hướng tăng so với năm 2022 và đáng báo động. Trong đó, lứa tuổi từ 16-18 là nhóm có nguy cơ vi phạm pháp luật về TTATGT và TNGT cao nhất trong nhóm học sinh, sinh viên trên cả nước.
"Dù đã có nỗ lực rất lớn tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường, ký cam kết giữa gia đình và nhà trường vào mỗi dịp đầu năm học song đâu đó vẫn còn những bậc phụ huynh không chịu nêu gương. Không những vậy, nhiều người còn giao xe cho con em mình tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện.
Quá trình điều khiển phương tiện, nhiều em tụ tập để lạng lách, đánh võng, vi phạm các quy định về trật tự ATGT, dẫn tới nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng", ông Hùng nói và cho biết: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị riêng về công tác đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh.
Theo ông Hùng, Chỉ thị 31 rất cần thiết và kịp thời với nhiều điểm mới đáng chú ý, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, vì mục tiêu xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hóa giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh xử lý nghiêm vi phạm giao thông liên quan đến học sinh và phụ huynh khi giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, tăng cường tuyên truyền với đa dạng phương pháp, hình thức; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, ông Hùng cho rằng cũng cần nhanh chóng ban hành quy định về việc bắt buộc học sinh học kỹ năng lái xe gắn máy an toàn và được đào tạo, phổ biến pháp luật đảm bảo ATGT để lấp khoảng trống quy định pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận