Ý Bài viết nói xấu trên facebook Cao Thị Thùy Dung có liên quan đến khiếu nại của chị Lê Thương Huyền (Ảnh chụp màn hình) |
Tình trạng sử dụng hình ảnh trái phép, nói xấu người khác trên mạng xã hội hiện đang khá phổ biến. Mới đây, một nạn nhân tại Hà Nội đã tiến hành các bước khiếu nại, khởi kiện chủ nhân một trang facebook khi đã đăng hình ảnh và lời lẽ được xem là xúc phạm, bôi nhọ cá nhân trên facebook.
Vô cớ bị nói xấu trên facebook
Theo chị Lê Thương Huyền, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 6/8, qua thông báo của bạn bè, chị biết được tài khoản facebook Cao Thị Thùy Dung đã đăng tải một bài viết với tiêu đề “Những gương mặt xinh đẹp của các nhà báo nói láo ăn tiền dơ (báo lá cải) tập 1”. Trong bài viết này, facebooker Cao Thị Thùy Dung cho rằng mình bị các nhà báo “chơi bẩn”.
Tiếp đó, dưới phần bình luận, facebooker Cao Thị Thùy Dung hai lần đăng kèm ảnh của gia đình chị Huyền (gồm vợ chồng chị Huyền và con gái) kèm theo những ngôn từ xúc phạm cho rằng, chị Huyền là một trong những nhà báo có mâu thuẫn với mình. Bài đăng này của facebooker Cao Thị Thùy Dung đã có ít nhất 2.300 người đọc và bày tỏ thái độ, hơn 1.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Không chỉ bà Dung, rất nhiều người khi theo dõi hình ảnh gia đình chị Huyền trong bình luận này đã có những ngôn từ bất lịch sự và đầy ác ý như: “Ồ, hóa ra một lũ cắn càn theo bầy đàn luôn hả chị”, “Ủng hộ sếp vụ này, sếp làm tới số luôn để làm gương cho lũ hám lợi bán nhân phẩm”, “Chúng nó chết chắc rồi!”…
“Tôi hiện đang công tác tại một lĩnh vực không liên quan đến báo chí nhưng chồng tôi lại là một nhà báo đã được Bộ TT&TT cấp thẻ. Vợ chồng tôi không quen bà Dung và không biết gì về vụ việc bà Dung nhắc tới, nên đây chắc chắn là hành vi cố ý bôi nhọ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm không chỉ cá nhân tôi và toàn thể gia đình tôi”, chị Huyền bức xúc.
Sau khi phát hiện vụ việc, chị Huyền đã nhắn tin yêu cầu bà Cao Thị Thùy Dung gỡ bỏ hình ảnh bị sử dụng trái phép và cải chính, xin lỗi nhưng không nhận được sự hợp tác. Đến ngày 10/8, chị Huyền đã ủy quyền cho luật sư của mình đến Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng về hành vi này của facebooker Cao Thị Thùy Dung. “Đến ngày 17/8, tôi đã gửi thư cho bà Dung với mục đích thông tin về hành vi trái pháp luật của bà Dung và yêu cầu bà này đưa ra những hành động tích cực để khắc phục. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tôi vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía bà Dung”, chị Huyền nói.
Chị Huyền cho biết, gia đình chị đã tiến hành các thủ tục khởi kiện bà Dung ra tòa, yêu cầu cải chính và xin lỗi công khai, đồng thời cũng đã gửi đơn đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý vi phạm hành chính.
Mạng ảo, chế tài thật
Û Chị Lê Thương Huyền đã lập vi bằng ghi nhận lại việc gia đình mình bị sử dụng hình ảnh trái phép, xúc phạm danh dự, uy tín |
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh), tình trạng hình ảnh của cá nhân bị sử dụng trái phép hoặc việc bôi nhọ, nói xấu nhau trên facebook đang diễn ra khá phổ biến. Mặc dù pháp luật có quy định cụ thể nhưng nhiều người bị xâm hại chưa biết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Những hành vi trên mạng ảo nhưng hoàn toàn có thể gây hậu quả thật và có chế tài thật.
Cụ thể, Điều 32, Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Đặc biệt, nếu người đó chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ hoặc người đại diện đồng ý. Việc đăng ảnh của người khác lên facebook mà không được sự đồng ý của người đó đã là hành vi vi phạm pháp luật, chưa kể vì mục đích nói xấu, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác.
Hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một trong các hành vi bị cấm.
Theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị áp dụng phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, theo luật sư Truyền, nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh “Làm nhục người khác” hoặc “Vu khống” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
“Khi phát hiện mình bị sử dụng hình ảnh trái phép, bị nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội, người bị hại cần gửi đơn tố cáo đến Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), yêu cầu cơ quan này xác minh người vi phạm để có hình thức xử lý. Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, PC50 sẽ có những biện pháp xử lý cụ thể. Sau đó, nạn nhân có thể tiến hành các bước để khởi kiện dân sự hoặc đề nghị xử lý hình sự”, luật sư Truyền cho hay.
Làm gì khi bị nói xấu trên facebook?
Liên quan đến sự việc, luật sư Nguyễn Trung Hiếu (Đoàn Luật sư TP HCM, Giám đốc Công ty Luật Lexnovum) cho rằng, những người bị nói xấu trên facebook cần làm theo trình tự để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.
Trước hết, để tránh việc người đăng ảnh trái phép, nói xấu, bôi nhọ mình xóa dấu vết trên facebook hoặc trên các trang mạng, người bị xâm hại cần đến Văn phòng Thừa phát lại để lập vi bằng. Văn phòng Thừa phát lại chỉ có ở các thành phố trực thuộc T.Ư nên những người ở địa phương khác có thể nhờ bạn bè lập vi bằng giúp. Nạn nhân cũng có thể báo cáo cho Facebook biết hình ảnh cá nhân của mình bị xâm phạm để yêu cầu xóa đi.
Sau đó, người bị hại gửi thư đến cho đương sự, yêu cầu chấm dứt vi phạm, xin lỗi và bồi thường. Nếu đương sự không hợp tác, người bị xâm hại có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa án cấp huyện nơi đương sự cư trú.
“Việc chị Huyền khởi kiện người sử dụng hình ảnh trái phép của gia đình mình với mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm có thể là một trong những vụ việc điển hình để cơ quan chức năng lưu tâm hơn đến những vi phạm tương tự trên mạng xã hội. Người sử dụng facebook cũng nên hành xử văn minh hơn trên môi trường mạng, tránh gây ảnh hưởng đến người khác vì có thể bị xử lý bởi các quy định pháp luật hiện hành”, luật sư Hiếu nhận định.
Vi bằng là gì? Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận