Quản lý

Làm phao cứu sinh tiện dụng từ ý tưởng của “trẻ trâu”

14/03/2016, 07:08

Ông Đỗ Trung Học đã bỏ công nghiên cứu, chế tạo thành công dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân-một loại phao đơn giản...

15

Hành khách được an toàn và tỏ ra thoải mái khi ôm những chiếc phao gọn nhẹ qua đò - Ảnh: Lê Quốc Kỳ

Trăn trở trước việc người dân ngại mặc áo phao khi đi đò, ông Đỗ Trung Học đã bỏ công nghiên cứu, chế tạo thành công dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân - một loại phao đơn giản, rẻ tiền nhưng lại tiện dụng để bảo vệ tính mạng hành khách đi đò mỗi ngày.

Phao đơn giản, rẻ tiền nhưng hữu dụng

Mỗi lần đi qua các bến đò ngang, tôi thường để ý nhiều hành khách qua đò đeo trên tay chiếc phao cứu sinh hình hộp chữ nhật màu da cam, nhỏ gọn, xinh xắn để phòng thân. Đò cập bến, trong chốc lát họ tháo xong phao, đưa trả cho người phụ đò để phát cho khách đi chuyến ngược sang bờ bên kia.

Ông Trần Hữu Phi, người lái đò ở bến Văn Đức trên sông Hồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Phao cứu sinh đeo tay này gọn nhẹ nên khách đi đò thường vui vẻ sử dụng, chứ không lắc đầu nguây nguẩy như trước kia khi được phát áo phao cồng kềnh. Nhà đò chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn, chỉ loáng chút là phát xong phao cứu sinh cho mọi người”.

"Việc tối quan trọng là dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân phải gắn vào tay để trường hợp bị rơi xuống nước không bị trôi xa tầm với của người đi đò. Bà con, học sinh đi đò ngang chỉ cần đeo dụng cụ nổi cứu sinh vào tay, khi chẳng may bị rơi xuống nước vẫn giữ được tính mạng của mình”.

Ông Đỗ Trung Học

Theo ông Phi, từ năm 2008 có quy định khách qua đò phải mặc áo phao để giữ an toàn, giống như đội MBH khi đi xe máy, thế nhưng ai cũng ngại mặc, nhất là khi trời nắng nóng, áo phao đã cũ hoặc không được sạch sẽ.

Tìm hiểu ở nhiều bến đò khác, chúng tôi cũng được nghe chủ đò, khách đi đò chia sẻ về sự tiện dụng của loại phao cứu sinh trên. Thay cho tâm lý ngại ngùng, miễn cưỡng như mặc phao áo cứu sinh, tất cả người đi đò đều nhiệt thành đón nhận dụng cụ nhỏ gọn này.

Chính nhờ sự phù hợp với thực tế này mà từ 1/10/2015, Bộ GTVT đã công nhận loại phao hình hộp chữ nhật trên vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thiết bị cứu sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa. Loại phao trên có tên gọi “Dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân” được dùng thay thế cho áo phao cứu sinh trên đò ngang, đò dọc và phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ. Dụng cụ nổi được làm bằng xốp, hình hộp chữ nhật, vỏ bọc bên ngoài là vải không thấm nước màu da cam, có dây đeo, chốt dây, dây bám, 8 miếng giấy phản quang.

Ý tưởng bắt nguồn từ chuyện của “trẻ trâu”

Có lẽ ít người biết rằng, tác giả của sáng kiến trên là ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm VN. Nói về ý tưởng chế tạo mẫu phao dành riêng cho đò ngang, đò dọc và phương tiện nhỏ, ông Học kể: “Đầu những năm 2000, đường thủy thi thoảng lại xảy ra nhữngvụ tai nạn đò ngang thương tâm, nhiều người cùng thiệt mạng chỉ vì tai nạn xảy ra trong giây lát nên không kịp lấy phao cứu sinh”.

Năm 2005, khi Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Cuộc vận động Người đi đò mặc áo phao đã tặng áo phao cho nhiều bến đò, nhưng hầu hết không mặc vì nóng, không giữ vệ sinh nên áo cũ, bẩn. “Tôi trăn trở lắm nên suy nghĩ phải nghiên cứu bằng được loại phao cứu sinh phù hợp để học sinh, người dân an toàn nhất khi qua đò”, ông Học nói.

Khi ý tưởng được lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN đồng ý, ông Học lập tức xây dựng các phương án, rồi chọn mẫu phao đeo tay để tính toán, thiết kế. “Tôi liên tưởng đến chiếc phao đeo tay gọn nhẹ từ suy nghĩ về cảnh lũ trẻ chăn trâu thời xưa thường ôm khúc chuối, vật nổi để bơi qua sông hay cảnh người đuối nước vung tay vớ bất kỳ thứ gì gần nhất”, ông Học kể và cho biết, từ kiến thức trong nghề đăng kiểm tàu sông của mình, ông phác thảo một vài mẫu phao, tính toán theo nguyên lý phao cứu sinh, rồi tự đi mua các vật liệu để chế tạo như: Xốp, vải, dây dù… Mỗi lần làm xong lại mang đi thử nghiệm thực tế, rồi thay đổi, bổ sung, cuối cùng ông đã thiết kế được một mẫu phao đeo tay hoàn chỉnh với đầy đủ tính năng, công dụng của một chiếc phao cứu sinh.

Điểm nổi bật là kết cấu của phao đáp ứng được yêu cầu về sức nổi ổn định, gọn nhẹ, bền và khách qua đò chỉ cần nhìn người khác làm một lần là có thể sử dụng đúng cách. Người dùng dù không biết bơi khi rơi xuống nước chỉ cần bám vào dụng cụ nổi cứu sinh là mặt, mũi nổi được lên khỏi mặt nước. Ưu điểm khác là giá thành loại phao cứu sinh này rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng/chiếc.

Từ giữa năm 2009, được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận, những chiếc phao đầu tiên đã được Cục Đăng kiểm VN đưa vào thí điểm tại một số bến đò ở: Quảng Ninh, Hà Nam, Tuyên Quang, Cần Thơ… và nhận được phản hồi tích cực từ phía người sử dụng, đơn vị chức năng tại địa phương. Từ khi thí điểm đến nay, Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các địa phương đã phát hàng vạn chiếc phao này cho các bến đò, người dân vùng sông nước giúp bảo đảm an toàn cho đò ngang và nâng cao ý thức của mọi người về sử dụng trang thiết bị cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy.

Dù là người trực tiếp có sáng kiến, nhưng ông Học luôn coi đây là sản phẩm của tập thể những người làm công tác đăng kiểm, một sự đóng góp thiết thực cho cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông vì bình yên sông nước. “Hiện, không ít chủ đò, khách đi đò vẫn chủ quan, không quan tâm đến việc sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh. Từ những bài học thực tế trước đây, mong rằng các địa phương, đơn vị chức năng, nhất là chính quyền cơ sở tích cực vận động người đi đò, người dân sử dụng phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân để luôn được an toàn trên sông nước”, ông Học nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.