Chưa xác định rõ thời điểm phát triển Trần Đề thành cảng đặc biệt
Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng phản hồi đề xuất xin chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.
Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất Dự án cảng biển Trần Đề thuộc loại cảng biển đặc biệt nhằm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Địa phương này cũng kiến nghị 2 phương án. Thứ nhất, nhà đầu tư đề xuất dự án theo pháp luật về đầu tư công hoặc theo phương thức đối tác công tư, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư.
Phương án 2, cơ quan Nhà nước đề xuất dự án. Cụ thể, theo lãnh đạo Sóc Trăng, Bộ luật Hàng hải VN quy định: Lĩnh vực cảng biển thuộc thẩm quyền quản lý nước của cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến đầu tư triển khai cảng biển Trần Đề, Sóc Trăng đề nghị Bộ GTVT thống nhất để Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề có quy mô đặc biệt, là cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Theo Bộ KH&ĐT, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng (gồm khu bến Trần Đề) được quy hoạch là cảng biển loại III, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Đến nay, cảng biển Sóc Trăng chưa được công bố quy hoạch là cảng biển đặc biệt.
Phối cảnh tổng thể bến cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Nghị quyết số 78 ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề ra định hướng: Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
“Tuy nhiên, Nghị quyết 78 không xác định rõ trong thời kỳ đến năm 2030 hay tầm nhìn đến năm 2045 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt và Nghị quyết 78, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xác định quy mô đầu tư dự án cảng biển Trần Đề cho phù hợp.
Xem xét dùng vốn ngân sách địa phương để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi
Cũng theo Bộ KH&ĐT, theo quy định tại Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.
Trong khi đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Ngoài ra, việc xác định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư không chỉ căn cứ vào tiêu chí phân loại cảng biển, còn căn cứ vào các tiêu chí như số vốn đầu tư công tham gia vào dự án, quy mô chuyển mục đích sử dụng đất, quy mô di dân tái định cư, cơ chế chính sách đặc biệt áp dụng cho dự án... được quy định tại Luật Đầu tư và Luật PPP.
Từ đây, UBND tỉnh Sóc Trăng được đề nghị cần xác định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Liên quan tới nguồn vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án, theo Bộ KH&ĐT, quy định tại Luật Đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có thể do nhà đầu tư đề xuất hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập.
“Pháp luật về đầu tư không quy định cụ thể về nguồn vốn để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. UBND tỉnh Sóc Trăng căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước để xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn vốn ngân sách của địa phương bố trí cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, Luật PPP quy định chi phí chuẩn bị dự án của cơ quan có thẩm quyền được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác. Do đó, Bộ KH&ĐT cho rằng trường hợp tỉnh chủ trương kêu gọi đầu tư PPP với dự án cảng biển Trần Đề, UBND tỉnh Sóc Trăng cần nghiên cứu thực hiện theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận