Xã hội

Làm rõ tôn chỉ mục đích, cơ chế đặt hàng báo chí

10/06/2023, 19:29

Đại diện Cục Báo chí, Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, Luật Báo chí sửa đổi cần làm rõ hơn một số khái niệm và cơ chế hỗ trợ báo chí.

27 nhóm nội dung của Luật cần sửa đổi

Sáng 10/6, Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016” tại Hà Nội đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự với nhiều ý kiến đóng góp chất lượng.

Hội thảo do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng Bộ TT&TT tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, gia tăng quyền tự do báo chí, cũng như tự do ngôn luận trên báo chí của người dân.

img

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo Cơ sở khoa học và thực tiễn Sửa đổi Luật Báo chí 2016

Tuy nhiên, sau 6 năm, trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, truyền thông số và thực tiễn hoạt động của các cơ quan báo chí, Luật Báo chí đã có một số quy định bộc lộ bất cập. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Trước thời điểm diễn ra hội thảo, Bộ TT&TT đã có văn bản báo cáo Chính phủ, nêu ra 27 nhóm nội dung có quy định cần sửa đổi.

Tham gia chủ trì diễn đàn tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ này đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ TT&TT rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Mục tiêu sửa đổi là mang lại giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà Nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí.

“Tôn chỉ mục đích”, “đặt hàng báo chí” được hiểu thế nào?

img

Phó giám đốc Sở TT&TT Hà Nội phát biểu tại hội thảo Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016

Là địa phương có nhiều cơ quan báo chí đóng trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã gửi tới hội thảo bản tham luận nêu ra nhiều vướng mắc hiện nay như quản lý phóng viên, văn phòng đại diện thường trú, việc báo chí đăng tải kiến nghị khiếu nại của công dân khi chưa xác minh, các quy định về họp báo...

Bà Mai Hương cho biết, Luật quy định các cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nhưng thực tế báo chí có nhiều hoạt động đặc thù cần có quy định tài chính riêng, ưu tiên hơn với doanh nghiệp thông thường.

Ví dụ quy định một số khoản thu nhập của người lao động trong các cơ quan báo chí cần được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các quy định về cơ chế hỗ trợ, đặt hàng báo chí tuyên truyền nhiệm vụ chính trị chậm được ban hành, còn nhiều vướng mắc. Chưa có quy định về cơ chế đặt hàng với các bài tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt, Luật chưa quy định cụ thể thế nào là tôn chỉ mục đích dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó khăn trong xử lý.

Về tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, cơ quan quản lý đang nghiên cứu việc quy định dòng chủ lưu để đảm bảo cơ quan báo chí thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, còn lại một tỷ lệ phần trăm bài vở nhất định thực hiện nhiệm vụ chung, góp phần tăng hiệu quả tuyên truyền của hệ thống báo chí.

Để thúc đẩy kinh tế báo chí, Tiến sỹ Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam đặt vấn đề: "Chưa có quy định về chức năng kinh doanh của báo chí. Cần phân định rõ chức năng chính của báo chí là chức năng tuyên truyền và kinh doanh.

Cần coi sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, các sản phẩm này cũng có sự cạnh tranh, cung - cầu, giá cả, vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Phải xem công chúng báo chí chính là những khách hàng của cơ quan báo chí".

Nhiều khái niệm chưa có trong luật

Tổ hợp báo chí, báo chí số, truyền thông số… là hàng loạt các các khái niệm chưa được đưa vào luật trong khi thực hiện quy hoạch báo chí. Đơn cử, một số tờ báo đã được gộp vào Trung tâm truyền thông của tỉnh, vậy có cấp giấy phép cho các nhà báo thuộc trung tâm truyền thông hay không? Mô hình này có thể gọi là tổ hợp báo chí hay không?

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu cho rằng nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Tổ hợp có thể có nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản trực thuộc, hoạt động đa loại hình, đa nền tảng, đa dịch vụ.

PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) đề xuất sửa tên Luật thành Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

"Cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông.

Bên cạnh đó, phải có quy định để quản lý được các sản phẩm của cơ quan báo chí trên hệ sinh thái số, mạng xã hội", bà Hằng nêu ý kiến.

Nhà báo khác phóng viên thế nào?

Bên cạnh các vấn đề lớn cần sửa đổi để định hướng hoạt động của tòa soạn, nhiều quy định về nghiệp vụ cũng cần làm rõ. TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Tuyên truyền (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) đặt câu hỏi: Nhà báo khác phóng viên thế nào? Có nên sửa Luật và phân cấp “Thẻ nhà báo” với “Thẻ phóng viên” hay không. Có nên bổ sung quy định thu hồi số báo đã phát hành khi có sai phạm nghiêm trọng?

Khái niệm Bí mật đời tư được quy định ở văn bản nào và báo chí hiện nay có sai phạm khi đăng tải các thông tin được xem là xâm phạm bí mật đời tư hay không?

Có đại biểu đề nghị không nên phân biệt nhà báo và phóng viên, thẻ nhà báo chỉ nên xem là thẻ tác nghiệp. Tuy nhiên cũng có ý kiến phản biện, cho rằng không phải ai cũng có thể làm nhà báo, học ngành nào cũng có thể làm nhà báo như hiện nay. Cần bổ sung quy định phải có chứng chỉ, bằng cấp báo chí, đạo đức nghề nghiệp mới được cấp thẻ nhà báo.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm thay mặt Bộ TT&TT cám ơn các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan báo chí đã quan tâm, đóng góp trí tuệ, góp phần cho thành công của hội thảo.

"Các hình thái khác sẽ nhanh chóng thay thế một số vai trò của báo chí nếu như chúng ta không nâng tầm đội ngũ báo chí cách mạng. Rất nhiều vấn đề hôm nay đặt ra cần có các nghiên cứu và chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự giúp đỡ của các trường đại học ", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các ý kiến tại hội thảo hôm nay đều là những tiếng nói tâm huyết. Bộ TT&TT và Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện quy định pháp luật về báo chí nói chung và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản để vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.