Liên tiếp những ca chấn thương của các cầu thủ trụ cột đội tuyển Việt Nam đặt ra câu hỏi: Liệu các cầu thủ đã được chăm sóc, sử dụng khoa học hay chưa? Hay làm cách nào để hạn chế chấn thương của cầu thủ?
“Cày” nhiều thì phải mỏi
Trung vệ Đỗ Duy Mạnh của Hà Nội FC là tuyển thủ mới nhất gặp chấn thương. Anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối phải trong một nỗ lực cản phá bóng ở trận Siêu cúp Quốc gia 2019 diễn ra hôm 1/3.
Trước đó, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng, Phạm Xuân Mạnh, Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường cũng đứt dây chằng gối. Dù trải qua thời gian dài điều trị nhưng Đình Trọng, Xuân Trường chưa thể tái xuất; Xuân Mạnh hào hứng xung trận ở mùa giải mới nhưng gần đây tiếp tục làm bạn với bác sĩ. Văn Đức vừa trở lại ở vòng 1 V-League 2020 trong khi Văn Thanh tuy chơi bóng từ nửa cuối mùa giải 2019 nhưng còn khá “ngượng chân”.
Ở một diễn biến khác, Quang Hải tuy không chấn thương quá nặng nhưng cũng bị ngắt quãng với lần rách cơ đùi tại SEA Games 30. Cho đến thời điểm này, anh vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và chỉ vào sân ít phút ở hai trận đầu mùa của Hà Nội FC.
Điểm chung của những cầu thủ vừa nêu là hầu hết đều thi đấu với cường độ cao, liên tục từ sau giải U23 châu Á 2018. Theo thống kê, năm 2019, Duy Mạnh chơi cả thảy 50 trận (14 trận cho tuyển Việt Nam). Quang Hải còn khủng hơn với 19 trận trong màu áo tuyển quốc gia lẫn U23 và có tổng số lần ra sân lên tới 58.
Nhìn ra thế giới, ngay cả siêu sao Lionel Messi của CLB Barcelona cũng chỉ chơi 54 trận ở mùa giải 2018 - 2019; Cristiano Ronaldo thậm chí chỉ đá 45 trận (theo Soccerway).
“Khi chấn thương dây chằng thì mọi thứ sẽ rất phức tạp, chấn thương này lại rơi vào một nhóm cầu thủ trụ cột của đội tuyển quốc gia thì rõ ràng do họ quá tải. Họ phải cày ải nhiều nhưng chăm sóc chưa đủ tốt, cộng thêm sức chịu đựng có giới hạn nên dẫn tới chấn thương”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận xét.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy (Bệnh viện Y học thể thao), ở những môn vận động bằng chân như bóng đá, tỷ lệ chấn thương ở chân chiếm tới 80%. Trong đó, tỷ lệ chấn thương dây chằng chéo chiếm từ 16 - 18%, tức cứ 10 ca chấn thương thì gần 2 ca liên quan tới dây chằng. “Việc nhiều tuyển thủ chấn thương theo tôi là điều không thể tránh khỏi bởi họ vận động cường độ cao, trong khoảng thời gian dài và ở môi trường thường xuyên va chạm. Đương nhiên, tùy cơ địa mỗi cầu thủ mà mức độ chấn thương sẽ khác nhau”, ông Thủy giải thích.
Bác sĩ D.T.K. (đề nghị giấu tên) hiện đang làm việc cho một đội bóng V-League phân tích: “Nguyên nhân chính dẫn tới chấn thương ở các cầu thủ là do cơ thể chưa sẵn sàng cho trận đấu. Còn với chấn thương dây chằng, có thể chia làm ba nhóm nguyên nhân sau: Va chạm quá mạnh, chuyển hướng đột ngột hoặc tiếp đất sai tư thế”.
Còn theo HLV Triệu Quang Hà, ngoài việc phải thi đấu nhiều và thiếu sự chăm sóc tốt, nhóm cầu thủ trẻ nhiều khả năng cũng chưa có sự chuyên nghiệp trong sinh hoạt, chưa cân đối được việc nghỉ ngơi và tập luyện.
Chú trọng y học thể thao và giáo án khoa học
Có một thực tế, hầu hết những ca chấn thương ở đội tuyển Việt Nam đều tập trung ở hàng thủ, khu vực HLV Park Hang-seo rất ít thay đổi nhân sự. Tuy nhiên, theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, không thể nào cân đối để 1 cầu thủ ra sân ở CLB thì phải đá ít ở đội tuyển hoặc cầu thủ trụ cột phải thay nhau nghỉ bởi mỗi HLV luôn mong muốn có những cầu thủ tốt nhất trên sân.
Nói là vậy nhưng ông Tùng khẳng định, để hạn chế chấn thương cho các tuyển thủ, trách nhiệm phải ở cả CLB lẫn đội tuyển: “Bóng đá luôn song hành cùng y học thể thao. Ở đội tuyển hiện tại tôi thấy việc chăm sóc cho cầu thủ cơ bản là ổn. Tuy nhiên, ở các CLB, hầu hết chỉ có 1 - 2 bác sĩ, như vậy là không đủ, cần tăng cường. Ngoài ra, cầu thủ cũng phải tự tìm hiểu về y học thể thao, tự chăm sóc cho mình, bổ sung dưỡng chất thông qua ăn uống để gia tăng giới hạn chịu đựng”.
Đồng ý kiến, bác sĩ D.T.K. cho rằng, cầu thủ muốn tránh chấn thương phải chú ý luyện tập, tăng cường các nhóm cơ hông, đùi, chân. Ngoài ra, cầu thủ cần luyện tập để hình thành phản xạ khi thực hiện các động tác xoay, chuyển hướng.
Chuyên gia thể lực Pablo Sawicki, người từng làm việc cho đội tuyển Việt Nam thì nhận định, y học thể thao ở Việt Nam thiếu hẳn mảng vật lý trị liệu. “Các CLB chỉ có 1 bác sĩ, kiêm tất cả mọi việc, đó là điều không ổn. Ngoài khối lượng công việc lớn thì vật lý trị liệu không liên quan tới chẩn đoán chấn thương hay phương pháp điều trị. Trị liệu vật lý tốt sẽ giúp cầu thủ luôn ở trạng thái tốt hoặc khi chấn thương thì có thể hồi phục hoàn toàn chứ không bị đi bị lại”, ông Pablo nói.
Dưới góc nhìn của một HLV, ông Triệu Quang Hà nêu quan điểm, bản thân giáo án tập luyện ở các CLB cho cầu thủ không phù hợp. Bởi, ở các nước có nền thể thao phát triển, giáo án tập luyện cho các đội bóng phải có sự tham gia của chuyên gia thể lực. Chính họ mới tính toán được khối lượng vận động ra sao cho đủ. “Ngược lại, ở Việt Nam, HLV trưởng chịu trách nhiệm toàn bộ việc lên giáo án. Giáo án này cũng dùng chung cho mọi cầu thủ, mọi thể trạng nên khó phát huy hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp tới cầu thủ. Đây là hướng đi các CLB trong nước nên nghiên cứu, sớm áp dụng trong tương lai gần. Đặc biệt, với các cầu thủ vừa thi đấu cho đội tuyển trở về, vì không có sự hỗ trợ của chuyên gia, HLV không thể đưa ra liệu trình hồi phục tốt nhất trước khi tái sử dụng”, ông Hà nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận