Y tế

Làm sao phân biệt được mắc Covid-19 hay sốt xuất huyết?

12/10/2021, 13:30

Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sốt xuất huyết do virus Dengue truyền bệnh qua trung gian muỗi vằn...

Hỏi:

Covid-19 hay sốt xuất huyết có dấu hiệu ban đầu tương tự nhau là sốt, đau đầu, nhức mỏi mình mẩy. Vậy, làm sao phân biệt được 2 bệnh này, thưa bác sĩ?

Trần Minh An (TP.HCM)

img

Bác sĩ khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) trả lời:

Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sốt xuất huyết do virus Dengue truyền bệnh qua trung gian muỗi vằn Aedes aegyptie.

Còn Covid-19 do virus SARS-CoV-2 truyền bệnh qua ho, hắt hơi và giọt bắn. Cả hai đều có một số triệu chứng giống nhau có thể dễ gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau nhức mình mẩy.

Trong nhiễm Covid-19, người bệnh thường có các triệu chứng của đường hô hấp như ho, hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất khứu giác, mất vị giác, tức ngực hoặc tiêu chảy, khi diễn tiến nặng sẽ dẫn đến khó thở, suy hô hấp, suy đa cơ quan.

Ngược lại, trong sốt xuất huyết, người bệnh thường có da và kết mạc xung huyết, các biểu hiện xuất huyết da và niêm mạc như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, đau bụng, nôn ói, khi diễn tiến nặng sẽ dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Để chẩn đoán phân biệt chắc chắn sớm giữa nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết cũng phải dựa vào xét nghiệm. Trong nhiễm Covid-19, xét nghiệm tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Còn trong sốt xuất huyết, xét nghiệm máu thấy bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm, kháng nguyên virus Dengue (NS1) dương tính.

Hiện, sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn bùng phát, mọi người cần lưu ý các dấu hiệu sốt cao liên tục, kéo dài 5 - 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết.

Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.