Nạn nhân TNGT được hỗ trợ kịp thời nhờ các trạm, chốt sơ cấp cứu
May mắn được tình nguyện viên điểm sơ cấp cứu cứu, ông N.V.M (xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên) nhớ lại, đó là vào tháng 1/2022, khi đang tham gia giao thông, bất ngờ ông đâm vào con chó chạy ngang đường. Nhưng chỉ ít phút sau, ông đã được các tình nguyện viên của chốt sơ cấp cứu Linh Sơn đã nhanh chóng sơ cứu, rồi chuyển ông tới bệnh viện điều trị….
Cũng nhờ được sơ cứu và chuyển viện kịp thời, nên ông Minh mau chóng bình phục sau đó ít ngày.
Hội Chữ thập đỏ Thái Nguyên tập huấn sơ cứu TNGT (ảnh Hội CTĐ Thái Nguyên)
Ngày 3/11, ông N.V.T (phường Cam Giá, Tp. Thái Nguyên) cũng bất ngờ gặp tai nạn khi tránh một cháu nhỏ đang chạy qua đường. Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, điểm sơ cứu số 1 trên địa bàn phường Gia Sàng, Tp. Thái Nguyên đã kịp thời có mặt tiến hành sơ cứu, khử trùng và băng bó vết thương. Sau sơ cứu, ông T. nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện.
Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ Tp. Thái Nguyên, trong thời gian qua, với 32 trạm/ điểm sơ cấp cứu được đặt khắp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu sơ, cấp cứu người bị nạn, góp phần hạn chế hậu quả đau lòng cho người gặp nạn làm giảm bớt thương vong, giúp người bị nạn được cấp cứu ngay trong “thời điểm vàng”.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc sơ cấp cứu ngoại viện, GS. Nguyễn Gia Bình (BV Bạch Mai) cho biết, "hiện nay, mỗi năm cả nước ta có tới hàng chục nghìn người tử vong do tai nạn giao thông, chưa kể các tai nạn trong sản xuất, sinh hoạt và đời sống khác. Nếu chúng ta làm tốt việc cấp cứu ngoại viện thì chắc chắn số lượng tử vong sẽ giảm, từ đó thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về tinh thần và xã hội cũng giảm.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là dù nhận thấy vai trò quan trọng của các trạm, chốt sơ cấp cứu nhưng hoạt động của các trạm, chốt sơ cấp cứu này còn nhiều khó khăn về cả cơ sở vật chất, vật tư y tế, đến những biến động về nhân lực tình nguyện.
Cần có cơ chế để ổn định hoạt động sơ, cấp cứu TNGT
Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình, để triển khai hệ thống cấp cứu trước viện, chúng ta phải tận dụng các cơ sở sẵn có và hệ thống 115 ở một số tỉnh. Tư nhân, các cơ quan, tổ chức từ thiện hay cá nhân tham gia vào rất tốt, nhưng Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tổ chức và điều hành hệ thống cấp cứu trước viện.
“Hiện nay chúng ta chưa có tổ chức về cấp cứu trước viện, điều hành lại càng không. Tôi rất mong muốn nay mai sẽ có hệ thống điều hành y tế trong cả nước và điều động phải nhanh như lực lượng vũ trang, thay vì đi vào phân chia theo địa giới hành chính như hiện nay, không hiệu quả”, ông Bình chia sẻ.
Đặc biệt, việc đầu tiên là nhân viên y tế phải chuẩn hóa lại các kiến thức sơ cấp cứu. Tiếp đó là lực lượng bán chuyên nghiệp, là những người cứu hộ cứu nạn, công an, cảnh sát giao thông, phòng cháy, chữa cháy cũng cần được tập huấn.
Những người ở mức độ sơ bộ các kỹ năng cấp cứu, kiểm soát đường thở, cố định gãy xương, garo cầm máu, là học sinh, sinh viên, những người tình nguyện, Hội chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc vv… cần được đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho họ.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ vấn đề và phát huy hiệu quả hoạt động sơ, cấp cứu, đặc biệt với TNGT, Hội Chữ thập đỏ cần tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông các địa phương tăng cường công tác đảm bảo ATGT, trong đó có việc tổ chức tập huấn và phát triển các mô hình sơ cấp cứu cộng đồng; Bổ sung thiết bị y tế tại các trạm, chốt sơ, cấp cứu như nẹp, thiết bị y tế để tình nguyện viên sử dụng hoặc tích cực thực hành.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra cấp cứu định kỳ để đánh giá, bổ sung kỹ năng của tình nguyện viên, bảo đảm các tiêu chuẩn để trạm, chốt sơ, cấp cứu được cấp phép hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Về lâu dài, Hội Chữ thập đỏ tiếp tục tích cực triển khai các lớp tập huấn sơ cấp cứu đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, trường học,... để bổ sung lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ trạm, chốt sơ cấp cứu từ cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận