Chuyện dọc đường

Làm việc thiện, đừng nên ép buộc

04/08/2021, 06:23

Sẽ không có gì đáng nói nếu như công văn của Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành không “ấn định” mức đóng góp “tự nguyện”...

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Để công tác phòng, chống dịch được hiệu quả, nhiều địa phương đã áp dụng chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt.

img

Chị H.N, một viên chức làm việc tại tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế không cần quyên góp bởi họ đang làm công tác phòng chống dịch cho địa phương

Điều này vô hình trung lại đẩy một bộ phận không nhỏ người dân lâm vào cảnh khó khăn nếu như không được hỗ trợ một cách kịp thời.

Thấu hiểu tình cảnh đó, nhiều tổ chức và cá nhân đã chung tay góp sức để hỗ trợ người dân có cái ăn, cái mặc. Hình ảnh những chuyến xe nối đuôi nhau chở nông sản, nhu yếu phẩm từ các tỉnh đổ về TP.HCM; những gian hàng “0 đồng” mọc lên khắp nơi để “ai cần thì lấy”… khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Thế nhưng, bên cạnh rất nhiều hoạt động thiện nguyện làm nức lòng người dân cả nước, thì công văn mới đây của Tỉnh ủy Vĩnh Long lại khiến cho cộng đồng xã hội hơi bất ngờ.

Theo đó, ngày 2/8/2021, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành công văn vận động, quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ người dân Vĩnh Long ở TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như công văn này không “ấn định” mức đóng góp “tự nguyện”, cụ thể: Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hệ số lương từ 4.0 trở lên ủng hộ 10 ngày lương; có hệ số lương dưới 4.0 ủng hộ 5 ngày lương…

Ngày khi văn bản được ban hành, đã xuất hiện những tiếng xì xào trong đội ngũ cán bộ, công chức địa phương.

Rõ ràng, mục đích của việc quyên góp là rất nhân văn, thể hiện sự sẻ chia với những người con quê hương đang gặp khó khăn ở vùng dịch. Tuy nhiên, cách thức thực hiện lại có thể khiến nhiều người không đồng tình.

Hoạt động thiện nguyện vốn dĩ phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện đóng góp của mọi người, kể cả với người dân bình thường hay công chức, viên chức Nhà nước.

Đối với một số người kinh tế khá giả, 5 hay 10 ngày lương cũng chẳng đáng là bao, thậm chí họ có thể đóng góp nhiều hơn. Nhưng với rất nhiều công chức, viên chức, họ phải đi làm kiếm từng đồng lương ít ỏi để nuôi gia đình, phải trang trải cuộc sống hàng ngày với vô vàn thứ cần đến tiền, thì con số này không hề nhỏ.

Với họ, ngần ấy ngày lương được “chỉ định” phải trích ra đóng góp sẽ khiến cuộc sống họ thêm phần khó khăn.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhiều địa phương cũng đã kêu gọi sự chung tay của nhân dân để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Hầu hết các nơi đều chọn phương án gửi “Thư ngỏ” để người dân hiểu rõ về tình hình, qua đó tự nguyện đóng góp sức người sức của giúp địa phương phòng, chống dịch bệnh.

Và có lẽ, nhiều người Vĩnh Long đang kẹt lại ở TP.HCM dù có thể đang rất khó khăn, song chắc họ cũng sẽ không vui nếu biết được rằng, nhiều người ở quê hương đã phải đóng góp với cách thức như vậy, miễn cưỡng như vậy.

Thiện nguyện là điều mà tất cả mọi người đều ủng hộ và đương nhiên việc làm vì người quê mình của Vĩnh Long càng được tán dương.

Có lẽ, chỉ cần điều chỉnh đôi chút, “có bao nhiêu góp bấy nhiêu”, “của ít lòng nhiều”, thì chắc chắn cả người đóng góp và người nhận đều sẽ cảm thấy vui hơn.

Nhà văn Trương Chí Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.