Thanh niên Palestine ném đá về phía cảnh sát biên giới Israel trong cuộc đụng độ tại một trạm kiểm soát giữa các trại tị nạn Shuafat và Jerusalem |
Nỗi lo mất thánh địa
Những vụ xung đột bạo lực gần đây là do người Arab ở Jerusalem bất mãn với những người Do Thái xung quanh vấn đề về khu thánh địa Haram al-Sharif (người Israel gọi là Núi Đền). Các nhà hoạt động tôn giáo dưới những cái ô như Tổ chức Núi Đền đã công khai nói rằng, họ có ý định thành lập khu cầu nguyện Do Thái ở thánh địa này, phá hủy công trình Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa Mosque và Vòm Đá (Dome of the Rock) có từ thế kỷ thứ VII, và thay thế bằng một ngôi đền Do Thái mới.
Haram al-Sharif là thánh địa thiêng liêng của người Palestine. Đây cũng là khu vực quan trọng đối với người Do Thái. Tuy nhiên, từ trước tới nay, những người Do Thái chỉ được phép tới thăm mà không được cầu nguyện tại đây. Những nhóm tôn giáo Do Thái cực đoan như Habayit, vốn có nhiều đại diện trong Chính phủ, quốc hội, lực lượng an ninh và quân đội Israel, lại ủng hộ việc cầu nguyện tại khu vực này. Điều đó khiến người Palestine lo ngại khu thánh địa của mình sẽ bị chiếm mất.
Chính người đứng đầu cộng đồng Do Thái của Israel cũng bất ngờ trước việc người Do Thái cầu nguyện ở đây, đồng thời cho rằng, hành động này có thể bị trừng phạt bằng cái chết, vì nó mạo phạm tới “thánh của các vị thánh”. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon cho biết, các chuyến thăm tới khu vực này của các bộ trưởng và các nghị sỹ Israel là “khiêu khích” và có thể “gây bất ổn”.
Những nỗ lực thay đổi hiện trạng của khu vực tôn giáo này diễn ra sau hàng thập kỷ người Israel chiếm đóng Đông Jerusalem từ cuộc chiến năm 1967. Suốt gần nửa thế kỷ qua, những công dân Arab ở Jerusalem bị phân biệt đối xử một cách công khai trong các bộ luật, quy định, quy chế như giấy phép xây dựng nhà ở, các chính sách giáo dục, các chính sách xã hội... Đây là chính sách của Israel trong việc hạn chế sự phát triển của cộng đồng người Arab trong thành phố và giành các đặc quyền để mở rộng cộng đồng Do Thái của mình.
Tự bảo vệ các giá trị
Các công dân Arab bản địa của Jerusalem đã có hơn 45 năm bị cô lập trong các khu vực bị hạn chế. Trong khi đó, Israel không ngừng mở rộng cộng đồng Do Thái trên toàn bộ vùng Đông Jerusalem. Không chỉ người Palestine ở Jerusalem nói rằng họ phải sống dưới sự chiếm đóng, mà Liên hợp quốc cũng công nhận như vậy. Thậm chí cả Mỹ cũng bỏ phiếu cho nghị quyết 1969 của Hội đồng bảo an lên án các hành động của Israel tại đây.
Sự chiếm đóng là có thể thấy rõ từ sự hiện diện dày đặc của các nhân viên bảo vệ biên giới bán quân sự được vũ trang hạng nặng ở các khu vực Arab, việc phá hủy các công trình thuộc sở hữu của người Arab với cáo buộc vi phạm luật xây dựng và vô số những điều phiền nhiễu hàng ngày.
Người Palestine ở Jerusalem, cho rằng, việc mở rộng cộng đồng Do Thái, cũng như những chính sách phân biệt đối xử của Israel một cách có hệ thống là nhằm cắt mất trái tim về tinh thần và đạo lý của người Arab Palestine.
Những sự khiêu khích đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ các cuộc bạo động lớn tại Jerusalem và có thể tiếp đó là toàn bộ những vùng đất bị chiếm đóng của Palestine.
Tất cả những yếu tố trên đều là một phần nguyên nhân dẫn tới làn sóng bạo lực đang diễn ra tại Jerusalem.
Hà Ngọc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận