Nhiều người trong làng mộc Đông Giao trước kia kiếm cả tỷ đồng mỗi tháng, nay đành ngồi bó gối nhìn hàng ế ẩm.
Cổng làng nghề mộc Đông Giao
Khi làng mộc vắng tiếng cưa, đục
Làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương xưa nay được nhiều người biết đến với nghề truyền thống chạm khắc mỹ nghệ. Phần lớn, các sản phẩm của làng được xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan...
Trao đổi với Báo Giao thông về việc định hướng phát triển làng nghề truyền thống cũng như việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề mộc Đông Giao, đại diện Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết: “Việc này mới chỉ đang là ý tưởng, phải chờ quyết định của tỉnh. Sở Công thương không quyết được việc này”.
Trục QL38 từ ngã tư Quán Gỏi, huyện Cẩm Giàng giao cắt với QL5 hướng đi Bắc Ninh dài khoảng 3km trước đây lúc nào cũng tấp nập những đoàn thương lái trong và ngoài nước đổ về tìm nguồn hàng.
Chớm chân vào cổng làng, đã nghe tiếng cưa máy cắt gỗ xè xè, tiếng gõ, tiếng đục chan chát.
Nhà nhà làm nghề mộc, người người làm thợ mộc. Những ngôi nhà mặt tiền được tận dụng tối đa diện tích để sản xuất, trưng bày sản phẩm.
Điều đặc biệt là, dù cả làng làm nghề mộc nhưng sản phẩm không trùng lắp nhau.
Nhà thì chuyên sản xuất tượng Quan Công, nhà chuyên sản xuất tượng Đạt Ma, có nhà chuyên sản xuất tượng Bác Hồ, Bác Giáp...
Mỗi đứa trẻ sinh ra ở đây đều đã được tiếp cận với nghề truyền thống, chưa học hết phổ thông cũng vẫn có thể đục, gọt, sơn tượng “nhẹ nhàng” kiếm cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, làng Đông Giao những ngày này ảm đạm đến nao lòng. Vắng khách, vắng tiếng cưa, thiếu cả cảm giác mắt cay cay do bụi gỗ.
Cửa hàng, xưởng sản xuất mỹ nghệ ven đường trước kia dần được thay mới bằng những cửa hàng sửa chữa điện thoại, siêu thị bán lẻ, quán game…
Nhiều xưởng còn đóng cửa, treo biển “cho thuê nhà”, nhiều nghệ nhân nơi khác đến đây thuê nhà tìm kế sinh nhai nay cũng lần lượt về quê cũ.
Đã qua thời kiếm tiền tỷ mỗi tháng
Dù được đánh giá cao về tay nghề song hoạt động sản xuất tượng gỗ mỹ nghệ làng nghề Đông Giao vẫn có nguy cơ mai một
Nằm ở vị trí đắc địa, 2 mặt tiền ngay cổng làng Đông Giao, cửa hàng Mộc Gia Phát của anh Nguyễn Thạch Anh xưa kia mỗi tháng kiếm cả tỷ bạc.
Làm ăn phát đạt, anh đã gộp 2 cửa hàng thành 1 khu trưng bày rộng tới 400m2 để xếp cho đủ 300 - 500 sản phẩm. Nhiều lúc khách tới cũng không đủ chỗ chen chân.
Tuy nhiên, những ngày này khách vắng hoe, sản phẩm cũng chỉ còn vài ba chục mẫu kê mãi chưa có người hỏi, bụi bám anh cũng chẳng buồn lau.
Ông chủ phải dồn số hàng ế lại một góc, dành nửa diện tích cửa hàng để kinh doanh ăn uống, cà phê, nhặt nhạnh mỗi ngày vài trăm nghìn đồng trang trải.
Anh Thạch Anh chia sẻ, trước khách Đài Loan, Trung Quốc về đông, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Thậm chí, họ xuống tiền từ lúc tượng vẫn còn là phôi gỗ, vẽ hình lên cục gỗ đã chốt rồi.
Vốn liếng quay vòng tỷ bạc là chuyện bình thường. Nhưng giờ hàng đắp chiếu, sản xuất nhiều cũng chẳng bán được. Lãi lời nằm tất trên đống gỗ đến sốt ruột, bán chả được mà làm cố cũng chả xong. Càng làm càng “chôn” vốn.
“Ví dụ như bức tượng Quan Công đây, bán giá 6 triệu thì vốn đã mất 5,2 - 5,5 triệu. Bán được ngay thì lãi tiền công chạy đi chạy lại từ 500 - 700 nghìn đồng, nhưng chưa bán được thì hơn 5 triệu tiền vốn “chết dí”.
Đó là chưa nói đến hàng trăm món hàng trị giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng…
Nói thật, mặt bằng của nhà nên đỡ một phần lo, nếu đi thuê chắc cũng bỏ nghề luôn rồi”, anh Thạch Anh ngán ngẩm.
Mạnh ai nấy làm
Hàng hóa “đắp chiếu”, bám bụi vì không bán được
Anh Thạch Anh chỉ là một trong số nhiều ông chủ ở làng nghề Đồng Giao rơi vào tình cảnh kinh doanh bết bát.
Đang ngập trong đống nợ ngân hàng hơn 600 triệu đồng, anh N.V.H. vẫn phải chấp nhận bỏ nghề truyền thống sang kinh doanh tạp hóa với hy vọng có nguồn thu ổn định hơn.
Anh H. buồn bã chia sẻ, hơn 3 năm về trước, để có vốn làm ăn, anh đã mang cuốn sổ đỏ thế chấp ngân hàng mượn 600 triệu đồng đầu tư và thuê mướn thợ. Hai năm đầu, mỗi tháng cơ sở của anh cũng lãi hơn 50 triệu đồng. Thấy “ngon ăn”, anh dồn thêm tiền đầu tư nuôi hy vọng.
Thế nhưng, toan tính chưa thành thì thị trường đi xuống, giờ mỗi tháng anh H. phải lo trả ngân hàng hơn 20 triệu đồng và hơn 10 triệu đồng chi phí sinh hoạt gia đình.
“Để có tiền chi tiêu, vợ tôi chuyển sang đi làm công nhân may. Còn tôi vẫn cố túc tắc kiếm cho đủ tiền trả ngân hàng. Đâu ai có thể lường được một ngày thị trường lại đóng băng như hiện nay”, anh H. tâm sự.
Tương tự, ông Vũ Hữu Vịnh, Trưởng thôn Đông Giao cho biết, trước đây cũng có cơ ngơi khang trang với 200 - 300 sản phẩm, kê đầy gian trưng bày khoảng 200m2. Tuy nhiên, giờ cửa hàng đã được dọn dẹp gọn gàng, lấy chỗ kê bộ bàn trà ngồi uống nước.
Ông Vịnh trăn trở, nếu kéo dài tình trạng này, nghề truyền thống Đông Giao sẽ mai một. Hiện nay, ước tính có đến 20 - 30% số gia đình trong làng chuyển nghề để kiếm thêm thu nhập, duy trì cuộc sống.
Cũng theo ông Vịnh, 3 - 5 năm trở về trước, bình quân mỗi thợ non ở làng cũng có thể thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, thợ trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, thợ cao tay có thể tới 20 - 30 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ, thu nhập của họ giảm hơn một nửa.
Bên cạnh nguyên nhân Covid-19, ông Vịnh cho rằng, ở Đông Giao từ xưa đến nay mạnh ai nấy làm mà chưa được đầu tư từ nghiên cứu nhu cầu đến phát triển thị trường… Khách tìm đến làng hoàn toàn “tự nhiên” chứ các “ông chủ” ở làng chưa từng chủ động đi tìm khách. 80% khách là đến từ thị trường ngoại. Vì thế, khi hoạt động xuất khẩu gỗ mỹ nghệ hạn chế, nguồn khách ngoại sụt giảm, làng nghề cũng đi vào bế tắc.
Ông Vịnh cho rằng, để có thể vực dậy và phát triển bền vững, làng nghề cần được hỗ trợ từ tìm kiếm, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương… để có cơ hội phát triển ngay tại thị trường trong nước. Làng sẽ có riêng một thương hiệu để quảng bá.
“Những hộ gia đình trong làng sẽ được tổ chức sản xuất bài bản, có định hướng về thị trường. Thậm chí, sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch, những nghệ nhân sẽ trở thành những hướng dẫn viên. Điều cần nhất hiện nay là chính sách ưu đãi vốn để bà con có thể “vượt bão”, tiếp tục giữ “lửa” nghề”, ông Vịnh bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, nghề mỹ nghệ cần phải có tư duy thị trường.
Sản phẩm mỹ nghệ cần được dẫn dắt bởi doanh nhân, doanh nghiệp, nhà thiết kế, bởi họ hiểu thị trường cần gì. Từ nhu cầu của thị trường họ sẽ quay lại đặt hàng sản xuất, là những sản phẩm thị trường cần.
“Người thợ mỹ nghệ hiện nay không thể duy trì nếp sản xuất cũ, nghĩ gì sản xuất đấy chờ người mua mà phải sản xuất những sản phẩm thị trường cần. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều sản phẩm rơi vào bế tắc thì những đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như mây tre đan vẫn làm không hết việc”, ông Phương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận