Trước cửa căn nhà được dựng ngay trên chiếc tàu nhỏ, bà Nguyễn Thị Điều (70 tuổi) lúi húi nhặt mớ cá, tôm vừa chài lưới được. "Chỗ này bán chắc cũng chỉ được vài chục ngàn đồng", bà ngưng tay, nhìn xa xăm.
Bà kể, vợ chồng bà vốn làm nghề chài lưới tại bến Chi Ly, Bắc Giang. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, năm 1980, cả gia đình xuôi về làng Nguyệt Đức (xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, Bắc Giang) tiếp tục sinh sống bằng nghề này.
Năm 2002, thấy nhu cầu vận chuyển cát, sỏi trên sông Cầu ngày càng lớn, ông bà vay mượn để mua tàu xi măng, loại tải trọng 25m3 để chở cát thuê. Tuy nhiên, do lượng cát ngày càng ít, tàu lại có công suất quá nhỏ nên không thể cạnh tranh.
"Vậy là lại quay về với nghề chài lưới trên sông, bữa no, bữa đói. Con tàu cũng được cải tạo thành nhà ngay trên lòng sông Cầu", bà Điều kể.
Có chiếc thuyền nhỏ ở gần gia đình bà Điều, hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Thư (70 tuổi) còn éo le hơn khi chồng mất sớm, một mình bà làm nghề chài lưới nuôi ba con. Nay, cả ba đều đã lập gia đình. Hai người con trai đều đã lấy vợ nhưng vẫn ở chung với bà trên chiếc thuyền nhỏ.
Do cuộc sống khó khăn nên cả hai cô con dâu đều đã bỏ nhà ra đi. Hai cậu con trai của bà cũng lang thang nay đây mai đó làm thuê, chỉ tự nuôi sống bản thân, bỏ mặc ba đứa cháu nội cho bà chăm sóc. Hàng ngày, bà vẫn phải lên bờ đi rửa bát, dọn dẹp nhà thuê, kiếm tiền mua gạo nuôi các cháu ăn học.
Đầu năm nay, bà Thư được thị xã Việt Yên và xã Vân Hà hỗ trợ 40 triệu đồng. Một số nhà hảo tâm và bà con gần đó cũng hỗ trợ thêm, giúp bà sửa chữa lại thuyền cho đỡ dột nát. Khi chưa sửa, nhiều đêm bà phải dùng xô, chậu tát nước mưa vì sợ đắm thuyền trên sông.
"Tuy nơi ở đã khá hơn nhưng người dân chúng tôi ở đây vẫn đau đáu mơ ước có đất để lên bờ sinh sống. Dù có phải đổi cả con thuyền trên sông lấy vài m2 đất dựng lều chúng tôi cũng sẵn sàng", bà Thư nói.
Từ nhiều đời nay, làng Nguyệt Đức, xã Vân Hà đã được hình thành giữa lòng sông Cầu. Dù nhiều chiếc thuyền xi măng đã được hỗ trợ để cải tạo thành nhà ở trên sông nhưng với gần 200 hộ dân trong làng, ước mơ lớn nhất vẫn là có "tấc đất cắm dùi" để an cư lạc nghiệp.
Chị Trương Thị Hiền Lương, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, thôn có 195 hộ với gần 700 nhân khẩu, tất cả đều ở trên thuyền, neo đậu trên dọc hai bên sông Cầu. Hiện trong thôn chỉ còn 20 tàu vận tải cát, sỏi trên sông, còn lại đều làm nghề chài lưới, thu nhập bấp bênh.
"Nước thải ra từ các khu công nghiệp, làng nghề khiến tôm cá, trai hến trên sông gần như chết hết. Trong khi đó, đa phần người dân đều không được học hành, khó lên bờ tìm việc", chị Hiền cho hay.
Theo ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, làng gốm Thổ Hà, xã Vân Hà được hình thành từ xa xưa. Khi đó, làng cần rất nhiều thuyền để chở nhân công, nguyên liệu sản xuất, gốm thương phẩm. Thuyền chài vì thế nườm nượp trên sông Cầu.
"Những ghe thuyền cùng gia đình họ tụ lại bên bờ sông, đối diện những lò gốm, dần hình thành một làng chài kéo dài khoảng 1km, dọc sông. Sau đó, làng gốm dần mai một, làng chài Nguyệt Đức cũng như đám bèo, dập dềnh ven sông cho đến nay", ông Mỹ nói.
Để giúp người dân Nguyệt Đức lên bờ, một dự án đã được tỉnh Bắc Giang phê duyệt từ năm 2020. Quỹ đất 5ha được bố trí tại khu Đồng Săng, xã Vân Hà, tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng.
Theo đó, sau khi người dân lên bờ, ổn định đời sống, địa phương sẽ triển khai kế hoạch phát triển du lịch khám phá sông nước gắn với du lịch làng nghề, các địa chỉ tâm linh để bà con làng chài có thu nhập. Thị xã Việt Yên sẽ hỗ trợ cải tạo các con thuyền của người dân để chở khách du lịch, thiết lập tour sông nước kết nối các địa chỉ văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề và biểu diễn quan họ cổ...
Đến ngày 10/4/2024, HĐND thị xã Việt Yên ban hành nghị quyết điều chỉnh bổ sung, nâng số vốn đầu tư dự án lên 90 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Mỹ cho biết, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai vì xã nằm trong hành lang thoát lũ đã được phê duyệt. Hiện, các đơn vị liên quan của tỉnh đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền thông qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận