Thời sự Quốc tế

Lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc sau dịch bệnh

Ngày 3/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng đoàn doanh nghiệp nước này đã lên đường tới Bắc Kinh thăm chính thức Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Scholz tới Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức cuối năm ngoái và cũng là nhà lãnh đạo một quốc gia phương Tây đầu tiên tới Bắc Kinh sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo thông tin từ Chính phủ Đức, chuyến thăm kéo dài 1 ngày, khi tới thủ đô Bắc Kinh sáng 4/11, Thủ tướng Scholz sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế như chống biến đổi khí hậu, xung đột ở Ukraine và tình hình trong khu vực Đông Á.

img

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Chính phủ Đức dưới thời ông Olaf hướng tới chính sách đối ngược dưới thời kỳ của bà Angela Merkel. Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và củng cố mối quan hệ giữa hai nước, trong nhiệm kỳ 16 năm, bà Merkel đã thực hiện hơn 12 chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.

Chính phủ liên minh ba đảng do ông Olaf Scholz làm Thủ tướng Đức hiện tại đã tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc kinh tế và và tăng cường quan hệ với các quốc gia dân chủ ở châu Á.

Trong thỏa thuận liên minh ký kết vào cuối năm ngoái, ba đảng của Đức đã đồng ý coi mối quan hệ với Trung Quốc là “sự cạnh tranh mang tính hệ thống” và nhấn mạnh cần phải giải quyết “những vấn đề về chính sách địa chính trị, an ninh cùng với Mỹ và các đối tác quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ ”.

Với định hướng đó, không giống như những người tiền nhiệm Merkel và Gerhard Schröder, ông Scholz đã chọn Tokyo, chứ không phải Bắc Kinh, là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á sau khi nhậm chức. Thời điểm đó, các đồng minh đánh giá động thái này là biểu tượng của việc Đức đánh giá lại các ưu tiên địa chính trị của Đức.

Trong một bài báo đăng trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung cách đây ít ngày, ông Scholz cho biết Trung Quốc dường như đang quan tâm hơn với các câu hỏi liên quan đến quyền tự chủ và an ninh quốc gia. “Nếu Trung Quốc thay đổi, các giao dịch của chúng tôi với Trung Quốc cũng phải thay đổi” – ông Scholz nói.

Song, theo truyền thông phương Tây, cho đến nay, Thủ tướng Đức chưa đưa ra nhiều manh mối về việc đánh giá lại này trên thực tế là gì.

Có nhiều lo ngại, dường như Thủ tướng Đức có thể đã thay đổi những đánh giá về chiến lược với Trung Quốc. Tuần trước, Chính quyền ông Scholz đã thông qua một thỏa thuận cho phép Công ty vận tải biển quốc doanh Trung Quốc - Cosco mua 24,9% cổ phần tại 3 nhà ga ở cảng lớn nhất của Đức – Hamburg và bị các đối tác trong liên minh đảng chỉ trích gay gắt.

Với kim ngạch thương mại hằng năm đạt khoảng 245 tỷ euro (239 tỷ USD), Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức.

Trên thực tế, Trung Quốc với dân số trên 1,4 tỷ người là thị trường khổng lồ cho các công ty Đức. Theo Phòng Thương mại Đức tại Bắc Kinh, hiện khoảng 2.300 công ty lớn và nhỏ của Đức đã thiết lập hoạt động sản xuất và dịch vụ tại Trung Quốc. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các công ty Đức đã đầu tư 10 tỷ euro (9,7 tỷ USD) vào Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.