Hễ cứ mưa là ngập úng, lầy lội, nhà cửa hư hỏng cũng không thể sửa chữa hay sang nhượng. Đó là tình cảnh của các hộ dân xã Vạn Hòa, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai đang nằm trong vùng quy hoạch của dự án kè sông Hồng.
Đi cũng dở, ở chẳng xong
Chỉ tay vào tường nhà đầy vết nứt và những mảng chắp vá, bà Nguyễn Thị Giang (thôn Giang Đông, xã Vạn Hoà, TP Lào Cai) thở dài cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi ai cũng bất an, lo lắng bởi vách nhà, nền nhà bỗng xuất hiện nhiều vết nứt lớn và dài. Nền nhà xê dịch khá xa so với vị trí cũ, không biết sập khi nào”.
Theo bà Giang, những hư hỏng này xuất hiện từ cách đây gần 4 năm, khi nhà thầu thi công dự án kè sông Hồng. Sợ nguy hiểm đến tính mạng, vợ chồng bà Giang phải đi ở nhờ nhà con trai trưởng ở TP Lào Cai, còn vợ chồng con trai thứ 2 phải ở nhờ nhà ngoại ở Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng).
“Khi xảy ra tình trạng nhà nứt, ngập úng do đơn vị thi công bịt hết các cống thoát nước khiến các công trình phụ, nước sạch hư hỏng nặng, gia đình đã làm đơn và UBND xã Vạn Hoà đã đến lập biên bản nhưng nhiều năm qua không được xử lý dứt điểm”, bà Giang bức xúc.
Dự án mà bà Giang nói tới là dự án kè sông Hồng khu vực thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai (đoạn từ cầu Phố Mới đến xã Vạn Hòa). Dự án khởi công tháng 7/2017, có khoảng 20 hộ dân thôn Giang Đông nằm trong vùng dự án sẽ phải di dời, giải toả. Tuy nhiên, sau những tháng đầu rầm rộ thi công, các đơn vị thi công rời đi, để lại những hư hỏng về nhà cửa, cơ sở hạ tầng ngổn ngang gây bất cập cho cuộc sống người dân.
“Ngày ấy, nhiều người dân ở đây cũng mừng vì sẽ được tái định cư sang nơi ở mới. Nhưng suốt từ năm 2016 đến nay, nhà nằm trong vùng quy hoạch nên người dân muốn sửa nhà không được, bán cũng không xong”, bà Giang bức xúc.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa cho biết, các hộ dân kể trên đều thuộc diện ở ổn định lâu dài, giấy tờ hợp pháp nên những đòi hỏi của họ là có cơ sở, hợp tình hợp lý. UBND xã đã làm báo cáo gửi lên cấp trên đề nghị sớm giải quyết, hỗ trợ quyền lợi cho người dân.
Dự án nghìn tỷ nằm đắp chiếu
Dự án kè sông Hồng là do liên danh Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty Cường Thịnh Thi, Công ty Long Mã và Công ty XD&TM 2899 thi công với tổng mức đầu tư ban đầu gần 1.000 tỷ đồng, sau điều chỉnh còn 920 tỷ đồng.
Để tìm hiểu kỹ hơn về dự án, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai, đơn vị chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Minh thường xuyên thất hứa và đến hiện tại chưa cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án kè sông Hồng.
Dự án dự kiến hoàn thành tháng 6/2022, gồm các hạng mục chính như kè bờ tả sông Hồng có chiều dài gần 5,8km; xây dựng 14 tuyến đường giao thông; san đắp 14 mặt bằng khu dân cư và các hạng mục phụ trợ như cấp điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, cây xanh, bãi đỗ xe, đường dạo…
Thế nhưng, sau hơn 3 năm khởi công, ghi nhận của PV Báo Giao thông đến thời điểm này, dự án vẫn “án binh bất động”. Hiện, toàn dự án không có hoạt động thi công, nhiều phương tiện máy móc ngổn ngang, nằm bất động; nhiều đoạn đê cũ đã bị phá bỏ nhưng chưa kịp xây kè mới.
Đáng chú ý, trái ngược với cảnh ảm đạm tại công trường là cảnh tấp nập của những điểm tập kết vật liệu xây dựng nằm xen kẽ. Một lượng lớn cát đã được múc lên từ lòng sông trong quá trình thi công dự án và đang được rầm rộ rao bán... Điều này khiến người dân đặt nghi vấn, có hay không việc núp bóng dự án để khai thác khoáng sản trái phép?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận