Đời sống

Lao động ngành vận tải kho bãi vật lộn với sóng gió đại dịch Covid-19

10/07/2021, 16:58

Ngoài sụt giảm về số lượng lao động chính thức, thu nhập trong ngành vận tải kho bãi cũng giảm mạnh qua 4 đợt Covid-19.

img

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục thống kê

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục thống kê, về bức tranh đời sống người lao động ngành GTVT và du lịch sau 4 trận bão dịch Covid-19...

Thu nhập sụt giảm trong mùa đại dịch

Đã qua 1,5 năm đại dịch Covid-19 ập vào nước ta, bà nhận định như thế nào về tác động của 4 lần dịch tới đời sống và thu nhập của lao động ngành GTVT và dịch vụ du lịch?

GTVT và dịch vụ du lịch thuộc 3 ngành kinh tế cấp 1 trong tổng 21 ngành kinh tế quốc dân, bao gồm: ngành vận tải kho bãi; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống và ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ.

Theo quan sát, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lao động ngành vận tải kho bãi là 1,95 triệu người, giảm 20,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (1,97 triệu người) và giảm 1,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 (gần 1,96 triệu người); lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 2,75 triệu người, tăng 66,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (2,69 triệu người) và tăng 10,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 (2,74 triệu người); lao động làm việc trong hành chính và dịch vụ hỗ trợ 6 tháng đầu năm 2021 là 360,8 nghìn người, tăng 2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đều tăng so với cùng kỳ các năm 2020 và 2019 nhưng chủ yếu tăng ở nhóm lao động có việc làm phi chính thức, nhóm lao động dễ tổn thương.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng khá cao, tăng 1,6 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,5% so với 82,1%) và tăng 1,4 điểm phần trăm so với năm 2019 (83,5% so với 81,9%).

Cùng với sự thay đổi và sụt giảm về số lượng lao động chính thức, thu nhập từ công việc chính của lao động làm việc trong hai ngành này cũng giảm mạnh.

Cụ thể, lao động ngành vận tãi kho bãi, có thu nhập 6 tháng đầu năm 2021 là 8,3 triệu đồng, giảm 380 nghìn đồng, tương ứng với 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập 6 tháng đầu năm 2021 của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 5,8 triệu đồng, giảm 435 nghìn đồng hay 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi thu nhập bình quân từ công việc chính của lao động từ 15 tuổi trở lên trong toàn nền kinh tế vào 6 tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu tăng nhẹ, (tăng 320 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước thì thu nhập bình quân của lao động trong hai ngành vận tải kho bãi và dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn giảm. Điều này làm đời sống của những người lao động trong 2 ngành này thêm khó khăn trong cơn sóng gió của đại dịch Covid 19.

img

Ngành đường sắt vốn đã khó khăn lại thêm phần lao đao trong mùa Covid-19

Để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Trước tình hình khó khăn bởi dịch bệnh, nhiều chính sách an sinh, các gói hỗ trợ đã được ban hành. Tuy nhiên, tính tới nay, hiệu quả của các gói hỗ trợ này ra sao, đặc biệt trong lĩnh vực GTVT, tỷ lệ người được tiếp cận với mức hỗ trợ như thế nào?

Năm 2020, trước cơn bão đại dịch, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ứng phó với các tác động xấu.

Có thể kể đến chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp thụ hưởng chính sách này không đáng kể, chỉ chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp dự kiến thuộc diện được gia hạn.

Thứ hai là quyết định giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 cho những cá nhân và tổ chức đang có hợp đồng thuê đất trực tiếp từ nhà nước hoặc cơ quan đại diện cho nhà nước, không bao gồm các cá nhân hay tổ chức có hợp đồng thuê đất thuộc sở hữu ngoài nhà nước.

Trên thực tế, số cá nhân tổ chức có hợp đồng thuê đất trực tiếp từ nhà nước hoặc cơ quan đại diện cho nhà nước không nhiều, vì vậy số lượng đối tượng được thụ hưởng chưa nhiều.

Đáng chú ý nhất là gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng dự kiến được giải ngân để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của đại dịch.

Không có các thống kê riêng về lao động được hỗ trợ trong từng ngành, đặc biệt là ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu, đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ kinh doanh… Các khoản hỗ trợ khác, đặc biệt là khoản cho chủ sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc không đạt mục tiêu.

Ngoài ra, các chính sách tiền tệ bao gồm: điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn/giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tín dụng từ ngành ngân hàng…cũng chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng.

Cụ thể, theo kết quả điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid 19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong tổng số hơn 153 nghìn doanh nghiệp tham gia khảo sát, số doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ chiếm 17,9%; trong đó, 4,0% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.

Theo bà, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, trong thời gian tới, gói 26 nghìn tỷ cần được hướng dẫn thực hiện như thế nào để đảm bảo nhanh, chính xác và hiệu quả?

Mục tiêu của gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68 vừa được ban hành nhằm bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ.

Khi xây dựng gói hỗ trợ này, Chính phủ và đơn vị chủ trì là Bộ Lao động Thương binh xã hội đã nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở các bài học kinh nghiệm đúc rút từ quá trình triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện tốt chủ trương trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản để hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa Nghị quyết. Các cấp, các ngành, các địa phương cần căn cứ các hướng dẫn đó để quán triệt, thực hiện tốt các chính sách đó, đảm bảo “không bỏ lại ai phía sau”.

Cảm ơn bà!

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.