CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại Quảng Ninh - Ảnh: Khánh Hà |
Tai nạn thương tâm cũng chỉ vì bia, rượu
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh nhà tan cửa nát mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia. Bạn đọc Báo Giao thông hẳn chưa quên vụ TNGT thương tâm xảy ra trên phố Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) khiến 2 người lớn và một cháu nhỏ 6 tuổi tử vong. Đáng nói, nguyên nhân của vụ tai nạn này do lái xe không có GPLX, điều khiển xe trong tình trạng say rượu.
Một vụ TNGT đau lòng khác cũng bắt nguồn từ nguyên nhân uống rượu, gây nên thảm cảnh của một gia đình ở Hải Phòng. Anh chồng uống rượu khi lái xe, chở vợ đang mang thai tháng thứ 8 và 2 con nhỏ đã đâm thẳng vào một chiếc ô tô. Hậu quả của vụ tai nạn khiến ai cũng phải đau lòng, anh Dương và cháu nhỏ bị chấn thương sọ não, cháu lớn bị thương nhẹ. Sau vụ TNGT, các bác sĩ đã phải mổ cứu thai nhi, còn vợ anh đã ra đi mãi mãi.
"Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng sẽ giảm được 50% số vụ TNGT, số người chết do nguyên nhân vi phạm nồng độ cồn so với năm 2011. Nếu chúng ta lấy con số khoảng 40% số vụ TNGT là do người vi phạm nồng độ cồn gây ra thì giảm được một nửa số này sẽ giảm 20% tổng số vụ TNGT”. Ông Khuất Việt Hùng |
Dù đã có quá nhiều lời cảnh báo sau những vụ tai nạn thương tâm, nhưng đáng buồn là tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn rất phức tạp. Minh chứng là đang có một tỉ lệ không nhỏ các vụ TNGT vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có nguyên nhân do sử dụng rượu, bia, hay liên quan đến rượu, bia hoặc do người sử dụng rượu, bia lái xe đâm phải. Nhiều lần trực tiếp có mặt tại bệnh viện này, PV Báo Giao thông phải chứng kiến những trường hợp TNGT liên quan đến rượu, bia rất thương tâm. Bên giường bệnh chị Nguyễn Thị Thảo (vợ nạn nhân Lê Văn Đồng, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) nghẹn ngào: “Hôm đó, sau khi liên hoan với bạn bè về, cũng có chút men rượu trong người chồng em đi xe máy tự ngã xuống đường. Theo chẩn đoán của bác sỹ, chồng em bị chảy máu não và chấn thương lồng ngực, gãy xương quai xanh. Vợ chồng em có con nhỏ, hoàn cảnh đã khó khăn nay càng thêm khó”.
BS. Nguyễn Đức Chính, Trưởng phòng tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho biết, tỷ lệ người bị tai nạn do rượu bia vào bệnh viện bây giờ rất nhiều và thường ở tình trạng rất nặng như: Chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn thương bụng. Nhiều trường hợp vào viện gần như “thập tử nhất sinh”, thời gian phục hồi cũng như di chứng để lại là hết sức nặng nề.
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, người vi phạm nồng độ cồn vào bệnh viện cấp cứu chiếm khoảng 40%. (Trong ảnh: CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại Bắc Giang) - Ảnh: Ngô Vinh |
Truy rõ nguyên nhân để loại “ma men”
Lý giải về sự phức tạp của TNGT liên quan đến rượu bia, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là khi phân tích nguyên nhân về TNGT chúng ta chưa chỉ ra được “nguyên nhân gốc” khiến lái xe mất kiểm soát dẫn đến lái xe đi sai phần đường, làn đường, đi quá tốc độ... chính là do vi phạm nồng độ cồn.
Cùng đó, việc thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong máu của nạn nhân TNGT theo quy định tại bệnh viện còn hời hợt. Người vi phạm nồng độ cồn vào bệnh viện cấp cứu gần như không thống kê được. Thông tin vi phạm nồng độ cồn do phía công an đưa ra chiếm khoảng 4-5% số vụ TNGT. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ này chiếm tới khoảng 40%.
“Khi không có số liệu chi tiết, cụ thể, mức độ quan tâm trong chỉ đạo, tuần tra kiểm soát sẽ không rõ nét”, ông Hùng nói và cho biết thêm, trước đây, một số chuyên gia đề xuất hình thức phạt tù đối với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhưng không nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin con số thiệt hại cả về người và tài sản từ vi phạm nồng độ cồn.
Thời gian tới, ông Hùng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ ban hành Kế hoạch tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2016 - 2020. Đây là lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia có kế hoạch dài hạn trong giai đoạn 5 năm về một chuyên đề đảm bảo sự nỗ lực liên tục để kiểm soát nồng độ cồn. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đồng loạt xây dựng kế hoạch triển khai.
“Kế hoạch sẽ tập trung vào những giải pháp căn bản như: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện, tăng cường chế tài xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn; Xây dựng Luật Phòng chống tác hại và lạm dụng rượu, bia đang được Bộ Y tế xây dựng Dự thảo; Triển khai thực hiện Thông tư 26 về kiểm tra nồng độ cồn trong máu của tất cả các nạn nhân TNGT khi vào Bệnh viện để từ đó có số liệu đích thực về vi phạm nồng độ cồn; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thông qua hệ thống giáo dục trong nhà trường và xã hội với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông; Vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, bia tham gia vào công tác tuyên truyền như Hiệp hội bia rượu, nước giải khát”, ông Hùng thông tin và cho biết, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tiếp tục triển khai kiểm soát nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Bộ Công an sẽ chỉ đạo các địa phương linh hoạt khi áp dụng mô hình này.
“Quan trọng nhất vẫn nằm ở quyết định của người tham gia giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Để làm được điều này, phải có sự can ngăn của người thân, bạn bè. Phải vừa tuyên truyền, vừa xử phạt, cũng như lấy việc xử phạt để tuyên truyền người tham gia giao thông hiểu rằng, nếu uống rượu, bia mà lái xe thì không xảy ra tai nạn cũng bị phạt nặng. Khi đó, chắc chắn không ai vi phạm nữa”, ông Hùng nói.
Xem thêm clip:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận