Quản lý

Lập “kỷ luật thép” ngăn “ma men” lái xe

22/05/2019, 14:40

Để ngăn chặn "ma men" lái xe, pháp luật phải được thực thi triệt để, loại bỏ tình trạng xin - cho để đảm bảo đủ sức răn đe...

img
Việc giám sát, ngăn chặn "ma men" lái xe ở Việt Nam còn thiếu sự nghiêm minh - Ảnh minh họa

Thực thi yếu sẽ thiếu thượng tôn pháp luật

Ở nước ta, nhất tại các đô thị lớn, tình trạng uống rượu bia tới mức say xỉn lái xe rất phổ biến. Điển hình trong ba tháng đầu năm 2018, TNGT liên quan đến người lái xe có uống rượu bia chiếm tới 70%. Trong các dịp nghỉ lễ, kỳ nghỉ càng dài ngày, số người tử vong do TNGT liên quan đến rượu bia gây ra càng lớn, nhiều người ra đi rất đau đớn.

Còn nhớ, trong lần đi đám cưới người thân, tôi “mắt thấy tai nghe” một số thanh niên gợi ý cho nhau cách đối phó với CSGT, nếu có đo cũng không đủ nồng độ cồn để xử phạt. Nào là xúc miệng, nhai kẹo cao su, uống cà phê hoặc nước ngọt có ga; Nào là ngậm máy đo thì hít vào chứ đừng thở ra; kể cả xin bỏ qua bằng cách khóa cổ xe rồi dấm dúi vài trăm ngàn cho cảnh sát.

Lần khác, trong đám cưới con chị bạn, tôi hỏi một anh Việt kiều Australia: “Sao anh không uống bia?” và nhận được câu trả lời: “Lái xe nên không thể uống bia”. Tôi chia sẻ ở đây nhiều người uống bia vẫn lái xe bình thường thì anh ồ lên với vẻ ngạc nhiên.

Anh cho biết: “Ở Australia, lái xe lúc nồng độ cồn trong người vượt mức cho phép, ngoài phạt nặng, có thể tịch thu phương tiện, bắt giữ người say xỉn. Cảnh sát cũng sẽ xử lý trực tiếp khi phát hiện hoặc gián tiếp qua hệ thống camera. Ở Australia dù người dân có ý thức kỷ luật cao nhưng trên xa lộ, đường phố vẫn có những hình nộm cảnh sát để nhắc nhở răn đe những tài xế có ý định uống rượu bia quá mức vẫn lái xe”.

Uống rượu bia lái xe rất dễ gây tai nạn cho những người vô can, ngoài người chết còn có người bị thương tật vĩnh viễn, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nhiều gia đình đã phải trải qua nỗi đau, không gì bù đắp. Vì vậy, người tham gia giao thông rất cần được bảo vệ, cần các cơ quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa để loại bỏ “ma men”, đem lại sự an toàn cho xã hội.

Thế nhưng, lâu nay, khi có vi phạm giao thông, TNGT, nhiều người vẫn chỉ đổ tại ý thức kém trong khi bản thân định chế giao thông, bộ máy quản lý, thực thi pháp luật xử lý vi phạm chưa thật sự nghiêm minh.

Theo tôi, “Đã uống rượu bia - không lái xe” để không là khẩu hiệu suông, cần nghiêm trong cả luật lẫn thực thi. Trước hết, cần có "kỷ luật thép", luật phải nghiêm, chế tài phải đủ sức răn đe mới có thể ngăn chặn được "ma men" lái xe. Luật và thực thi phải như hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời, không để xảy ra tình trạng thực hiện nửa vời, hiểu và áp dụng kiểu nào cũng được.

Luật tốt tạo điều kiện cho quản lý tốt. Quản lý tốt khi có luật tốt. Dù luật có quy định phạt nặng, tước bằng lái, tạm giam phương tiện, lao động công ích, phạt tù với người vi phạm nhưng người được giao thực thi nhiệm vụ làm ngơ sẽ khó tránh khỏi tâm lý "nhờn luật", thiếu thượng tôn pháp luật trong xã hội.

img
Để đẩy lùi TNGT do "ma men" cần phải có cơ chế phạt đủ nặng đối với cả tài xế lái xe sau khi uống rượu bia dù chưa gây ra sự cố trên đường - Ảnh minh họa

Ngăn chặn nguy cơ thay vì chỉ khắc phục hậu quả

Tôi cho rằng, chúng ta không thể mãi lấy lý do dân còn nghèo, thu nhập đầu người còn thấp, mức phạt cao sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Vì chính biện pháp cứng rắn đó mà các nước giảm thiểu tai nạn, ngăn chặn vi phạm giao thông. Hãy bàn đến cách làm thế nào để không vi phạm, không bị phạt, chứ đừng bàn phạt ít hay nhiều.

Việt Nam dù đã tăng mức phạt vi phạm giao thông, nhưng vẫn còn khá nhẹ so với nước ngoài. Tại Singapore, chỉ cần gây cản trở giao thông như: nghịch các thiết bị cảnh báo, qua đường không đúng chỗ, nếu bị phát hiện hoặc bị tố cáo mà có chứng cứ, sẽ bị phạt rất nặng khoảng từ 2.000 SGD (34 triệu đồng) đến cả chục ngàn SGD (170 triệu đồng). Đó là chưa kể bị các chế tài khác như đánh roi, phạt tù.

Thực tế, không một bộ luật, quy định nào có thể thỏa mãn hết tất cả mọi người, vấn đều nếu an toàn và có lợi cho đa số người dân thì cần thực thi triệt để.

Theo tôi, thu nhập trung bình người dân Việt Nam còn thấp, mức xử phạt cho lái xe sau uống bia rượu cao nhất nên ở mức khoảng 40 triệu đồng là hợp lý; đồng thời, tước bằng lái xe 2 năm áp dụng cho vi phạm nồng độ cồn vượt mức cho phép, tước bằng lái vĩnh viễn nếu tái diễn hay gây tai nạn nghiêm trọng hoặc dẫn đến chết người. Các mức phạm lỗi thường thấy như: lấn tuyến, ngược chiều, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ,.. cũng cần tăng nặng mức phạt để đảm bảo trật tự giao thông.

Cùng đó, cơ quan chức năng cũng phải siết chặt quản lý để công tác thực thi công bằng, đúng luật, mỗi vi phạm đều bị xử lý đúng mức, loại bỏ tệ nạn “xin - cho”, “lót tay” để thoát tội. Có như vậy sự thượng tôn pháp luật mới được đảm bảo.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, những vụ uống rượu bia lái xe chỉ xử lý hình sự khi đã gây tai nạn làm chết người hoặc gây thương tích nặng. Lúc này, sự việc đã xảy ra và để lại hậu quả, chưa có biện pháp ngăn chặn phòng tránh từ đầu.

Do đó, nên chăng, đối với người uống rượu bia chưa gây tai nạn, ngoài phạt nặng, có thể áp dụng thêm biện pháp tạm giữ phương tiện, không cho tiếp tục lái xe nhằm ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn. Về phía chính quyền địa phương nơi có người vi phạm cư ngụ, hãy giao cho tổ dân phố tổ chức họp kiểm điểm và nhắc nhở những đối tượng vi phạm lần đầu.

Trên xa lộ, đường phố có thể lắp đặt những hình nộm cảnh sát để vừa nhắc nhở, răn đe những tài xế có ý định uống rượu bia quá mức vẫn lái xe, vừa khắc phục được thực trạng “lực lượng mỏng” như ở Việt Nam hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.