Liên tiếp phát hiện tài xế sử dụng ma túy
Công an TX Buôn Hồ phát hiện tài xế dương tính với ma túy đang điều khiển xe chuẩn bị xuất bến tại bến xe Buôn Hồ
Khoảng 6h50 ngày 27/3, tại giao lộ Cách Mạng tháng Tám - Lê Thanh Nghị, Đội CSGT Công an TP Đà Nẵng phát hiện ô tô BKS 92A-279.03 vi phạm lỗi quay đầu xe tại nơi có biển báo cấm. Qua test nhanh, phát hiện tài xế Lê Khắc Sang (SN 2001) dương tính với ma túy.
Trước đó, ngày 23/3, Đội CSGT Công an TX Buôn Hồ (Đắk Lắk) cũng phát hiện tài xế N. Q. T. dương tính với ma túy trong lúc điều khiển xe xuất bến và lập biên bản vi phạm hành chính số tiền 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.
Tại Hà Nội, tối 4/3, trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, Tổ công tác Đội 3 Cục CSGT dừng ô tô BKS 18A-052.XX do tài xế D.N.C. (SN 1978) điều khiển để kiểm tra, phát hiện tài xế C. dương tính với ma túy.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích trên hơn 11.000 vụ TNGT trong năm 2022, có đến 0,03% số vụ nguyên nhân do tài xế sử dụng ma túy, chất gây nghiện, tức có khoảng hơn 330 vụ.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, nguyên nhân có thể do áp lực công việc lớn, cường độ làm việc liên tục khiến một số tài xế tìm đến các chất kích thích để có cảm giác tỉnh táo.
Ngoài ra còn do lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm tra đột xuất và ngẫu nhiên, trong khi các doanh nghiệp lại không rốt ráo trong việc này.
Nhiều bất cập trong quản lý sức khỏe lái xe
Ông Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe Sao Việt cho biết, hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu nào giám sát các tài xế từng vi phạm sử dụng chất ma túy nên xuất hiện tình trạng lái xe bị sa thải tại doanh nghiệp này nhưng vẫn tiếp tục đi xin việc ở một doanh nghiệp khác với bộ hồ sơ mới.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, vấn đề khám sức khoẻ của tài xế hiện đang được thực hiện ở khâu làm hồ sơ thi GPLX, trong lúc thi tuyển vào các doanh nghiệp.
Ngoài ra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải còn phải thực hiện kiểm tra sức khoẻ lái xe định kỳ theo quy định, bao gồm cả việc kiểm tra chất ma tuý.
Đối với các doanh nghiệp có lượng xe lớn, thường họ sẽ chủ động mời các cơ sở y tế có chức năng kiểm tra sức khoẻ lái xe về trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1- 2 lái xe thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp cho giấy chứng nhận sức khỏe.
“Điều này dấy lên câu hỏi liệu tình hình khám và cấp giấy có thực chất hay không? Nhiều doanh nghiệp tiếp nhận lái xe nhưng không thể kiểm chứng giấy chứng nhận sức khoẻ trong hồ sơ xin việc”, ông Quyền nhìn nhận.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối cho biết, việc các tài xế sử dụng ma túy vẫn tái phạm nhiều trong thời gian qua xuất phát từ khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý và quản lý các tài xế này. Nếu tài xế tìm cách qua mặt doanh nghiệp vận tải, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ gần như không hiệu quả.
Đề xuất xây dựng bộ cơ sở dữ liệu sức khỏe của tài xế
TS. Nguyễn Minh Hiếu cho biết, tại các nước trên thế giới, người lái xe phải thực hiện việc khám sức khoẻ ở các cơ sở, phòng khám uy tín được chỉ định (thông qua các tiêu chuẩn cần phải đạt).
Việc quản lý lái xe của các doanh nghiệp cũng chặt chẽ hơn thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu liên tục được cập nhật.
Ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị Bộ Y tế cần công bố công khai danh sách các cơ sở y tế có thẩm quyền khám, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe.
Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để cập nhật thông tin khám sức khoẻ của tài xế để phối hợp với doanh nghiệp quản lý lái xe, kịp thời sa thải nếu phát hiện sử dụng ma túy, chấn chỉnh đội ngũ tài xế trong công ty và loại trừ khi tuyển chọn mới.
Cũng theo ông Quyền, việc làm trên không khó trong bối cảnh chuyển đổi số, vừa giúp quản lý lái xe vừa hạn chế tiêu cực. Từ đó, có cơ sở để truy trách nhiệm nếu tài xế sử dụng ma tuý bị lực lượng chức năng phát hiện hoặc gây tai nạn.
“Khi lực lượng chức năng kiểm tra tài xế trên đường, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê các tài xế vi phạm, không cần công khai nhưng tối thiểu phải cho phép các cơ quan liên quan như: Sở GTVT, doanh nghiệp, hiệp hội vận tải… tra cứu để xác định được tài xế thuộc doanh nghiệp nào, trách nhiệm thuộc về ai, để chấn chỉnh, xử lý”, ông Quyền nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê danh sách các tài xế sử dụng chất ma túy còn giúp cảnh báo tài xế sẽ không doanh nghiệp nào tuyển dụng nếu bị phát hiện sử dụng ma túy.
Về vấn đề này, luật sư Hùng cho biết, chế tài xử phạt hiện còn khá nhẹ, cần nghiên cứu điều chỉnh, có chế tài thật nặng về hành chính lẫn trách nhiệm hình sự đối với tài xế cố tình vi phạm sử dụng chất ma túy khi lái xe, ngay cả khi không gây ra hậu quả.
“Các doanh nghiệp cần tăng cường biện pháp quản lý lái xe, kiên quyết không sử dụng lái xe sử dụng chất ma túy”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, lái xe sử dụng ma túy điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, điều khiển xe máy bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước GPLX từ 22 - 24 tháng.
Trường hợp gây tai nạn, thiệt hại nghiêm trọng còn bị xử lý hình sự Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm tù.
Đối với chủ doanh nghiệp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264, Bộ luật Hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, phạt tù đến 7 năm, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận