Ngày 3/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 2/2022.
Phiên họp tập trung thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 2 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH Dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM; công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games lần thứ 31…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 2/2022
Đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, thể hiện qua kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm: Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ và dự toán, xuất nhập khẩu tăng, lương thực thực phẩm được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi nhanh...
Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; quốc phòng an ninh được giữ vững, các hoạt động đối ngoại đúng hướng, hỗ trợ tích cực cho đối nội.
"Ba đột phá chiến lược được triển khai tích cực, hiệu quả, thực chất. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc té được củng cố", Thủ tướng nhìn nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng dự báo, tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Bởi kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát tăng cao khi chi phí đầu vào tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn.
Việc mở cửa thị trường khó khăn do dịch bệnh. Việc mở cửa trường học còn cần phải điều chỉnh phù hợp tình hình. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai 2 tháng đầu năm ước tính gần 650 tỷ đồng, gấp 23,7 lần cùng kỳ. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới tác động tới Việt Nam.
Lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề liên quan tới tình hình Ukraine
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới.
Theo đó, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ hai, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết.
Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Thứ ba, Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Thứ tư, là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu… Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm.
Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.
"Không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả"
Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm chất lượng, tiến độ. Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động, với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động cần đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên.
"Trong tháng 3, các bộ, cơ quan phải hoàn thiện nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan, nhất là cơ cấu tổ chức bên trong", Thủ tướng lưu ý.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục giải quyết các công việc tồn đọng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ; rà soát, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho những người khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa.
Việc giải quyết vấn đề hàng hóa tồn đọng tại biên giới cửa khẩu phải vừa có giải pháp trước mắt, vừa có giải pháp lâu dài.
Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận