MV “Em không hối tiếc” của Hương Giang Idol dán nhãn 18+ |
Những MV “nối đuôi” nhau ra lò và được chủ nhân tự dán nhãn 18+. Nhưng dán nhãn có tác dụng hay không khi MV được phát hành trên mạng và không khống chế người xem?
Chỉ là chiêu trò
Gần nhất trong những ngày qua là việc MV Em không hối tiếc của ca sĩ Hương Giang Idol, ngay khi phát hành trailer vào giữa tháng 8 đã bị Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi công văn yêu cầu Sở VH,TT TP HCM kiểm tra cơ sở pháp lý của việc phổ biến, lưu hành bản ghi hình nói trên và có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định hiện hành. Ban đầu, MV được dán nhãn 18+ và Hương Giang Idol thậm chí còn giải thích: “Số lượng khán giả sẽ hạn chế và tôi phải xin lỗi các bạn nào chưa đủ 18 tuổi sẽ không được xem MV. Vì 90% là những cảnh nóng”. Tuy nhiên, sau khi bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cảnh báo, MV của Hương Giang Idol bản đầy đủ chỉ còn dán nhãn 16+.
Ngay sau lùm xùm của Hương Giang, MV Dancing King của ca sĩ Bùi Caroon khi tung trailer cũng được một kênh ca nhạc tự gắn mác 18+ dù ca sĩ và ê-kíp không chủ định làm việc này. MV có những cảnh mát mẻ, hở táo bạo và gợi cảm của các người mẫu và đây có lẽ là lý do khiến Dancing King gây nhiều tranh cãi về việc có nên thực sự dán nhãn hay không. Quản lý của Bùi Caroon cho biết, MV chỉ dán nhãn 18+ khi có những cảnh chăn gối hoặc cảnh nude toàn bộ.
Trước đó, nhiều MV như: Xin đừng đi của Mia, Make love của Trà Ngọc Hằng,… cũng được dán nhãn 18+ khi MV có những màn vũ đạo và hình ảnh gợi cảm, trần trụi. Đáng nói là những MV này đều được phát hành online, bất cứ ai cũng có thể truy cập. Vậy, việc dán nhãn còn có tác dụng hay không?
Theo nữ đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân, đây chỉ là một chiêu trò thu hút người xem ngay từ đầu. Bởi, số lượng MV ra đời ào ạt như hiện nay thì MV không thể tự nhiên được khán giả đón xem. Tất cả thường có công tác marketing để thu hút quan tâm ngay từ đầu. Chị đánh giá đây là một công tác truyền thông tích cực, tuy nhiên hiệu quả hay phản cảm là do cách làm của mỗi ê-kíp và nội dung của MV đó.
Ca sĩ Bùi Caroon |
Đồng quan điểm với đạo diễn Thanh Nhân, ca sĩ Minh Quân cho rằng, ai cũng muốn sản phẩm của mình khi ra mắt được phổ biến rộng rãi và thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, mỗi nhà sản xuất đều có những cách quảng bá sản phẩm riêng và dán nhãn là một trong số đó.
Khác với suy nghĩ của đạo diễn Thanh Nhân và ca sĩ Minh Quân, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư lại lý giải, ở nước ngoài, những sản phẩn dán mác 18+ cũng được phát hành online nhưng việc dán mác vẫn có tác dụng. Vấn đề chủ yếu là việc giáo dục lớp trẻ của các bậc phụ huynh và những người quản lý giáo dục mà thôi.
Quản lý lỏng lẻo
Nếu như ở lĩnh vực phim ảnh, những cảnh nóng phản cảm sẽ bị hạn chế bởi hội đồng kiểm duyệt thì ở những sản phẩm ca nhạc online, điều này còn khá lỏng lẻo. Ca sĩ Minh Quân nhìn nhận, việc để xảy ra tình trạng những sản phẩm âm nhạc thiếu tính nghệ thuật và dùng chiêu trò dán mác để gây chú ý là do việc quản lý sản phẩm online thiếu sát sao. Đó là lý do nhiều ca sĩ đã lợi dụng để đưa những hình ảnh nóng bỏng vào sản phẩm của mình với những mục đích khác nhau, trong đó có việc “câu” khách.
Trong khi đó, dù cho rằng việc dán mác sản phẩm ca nhạc là đều có lý do riêng, nhưng đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cũng thừa nhận, yếu tố 18+ phải phụ thuộc vào bài hát, nội dung cần phục vụ cho ca khúc chứ cố tình dựng cảnh nóng để câu khách chỉ là chiêu trò rẻ tiền và chỉ có tác dụng nhất thời. Nữ đạo diễn cũng cảnh báo, việc dán mác sản phẩm là “con dao hai lưỡi”, nó có thể khiến khán giả tò mò và muốn xem nhất thời, nhưng khi xem rồi họ sẽ thấy rất tiêu cực và sản phẩm nhanh chóng rơi vào quên lãng. Không chỉ vậy, dán mác cũng có thể giết chết MV, người xem có thể tẩy chay trước khi sản phẩm được phát hành.
Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn (Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho hay, cơ quan quản lý không quan tâm việc ca sĩ gắn nhãn gì mà chỉ quan tâm đến nội dung của sản phẩm. Theo ông Tuấn, Nghị định của Chính phủ không quy định việc phân biệt 18+ hay 16+ đối với các chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật mà quy định nội dung các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác, biểu diễn phải phù hợp với giá trị đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục dân tộc và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn (Cục Nghệ thuật biểu diễn), Nghị định 79 và Nghị định 15 sửa đổi bổ sung của Chính phủ quy định rõ các tổ chức, cá nhân trước khi phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình trước công chúng cần đề nghị cơ quan quản lý phê duyệt nội dung. Những tổ chức, cá nhân không thực hiện quy định này đã phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình trước công chúng là chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy, khi thanh, kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận