Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị |
Diễn ra trong 2 ngày 25-26/12, Hội nghị Trung ương 9 khóa XII cho ý kiến về việc quy hoạch BCH T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp vi phạm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung và thời gian của Hội nghị Trung ương lần này không nhiều, nhưng những vấn đề bàn và quyết định là rất hệ trọng.
Đề cập đến nội dung về quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quy hoạch chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, đây là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự BCH T.Ư khóa XIII. Vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.
Lấy phiếu tín nhiệm 21 thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Sáng 25/12, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Chiều cùng ngày, Trung ương tiến hành hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh này. Hiện nay, tổng số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 24 người. Tuy nhiên, hội nghị lần này chỉ lấy phiếu tín nhiệm với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 5 thành viên Ban Bí thư. 3 trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu gồm: Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh do đang nghỉ chữa bệnh dài ngày và hai thành viên Ban Bí thư gồm ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Hai ông mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5, chưa đủ thời gian công tác theo quy định. Theo chương trình làm việc của hội nghị, kết quả kiểm phiếu được báo cáo vào sáng nay (26/12). |
Tinh thần được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong BCH T.Ư mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt. Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, ngay trong tháng 11/2018, tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo phân bổ cơ cấu, số lượng đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao. Việc phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch đã bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo; bước đầu đáp ứng cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, địa bàn, lĩnh vực công tác. Các nhân sự được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển.
Theo đó, trên cơ sở danh sách gần 250 nhân sự được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến đối với hơn 200 nhân sự.
Sau hội nghị, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một bước quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng thẩm quyền và các quy định của Đảng.
Thăm dò tín nhiệm giúp cán bộ nhìn lại mình
Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng. Vì thế, mỗi lá phiếu phải rất chính xác, góp phần làm cho việc lấy phiếu lần này thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Nhìn nhận về việc này, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng, thể hiện dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Nó là một kênh để đánh giá tín nhiệm rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến uy tín của những cán bộ thuộc diện được lấy phiếu. Vì thế, lấy phiếu tín nhiệm không phải loại bỏ hay xử lý cán bộ nào đó, mà nó giúp “người trong cuộc” nhìn nhận lại công tác lãnh đạo, điều hành của mình để có những điều chỉnh ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức T.Ư cũng cho rằng, những người thuộc diện lấy phiếu lần này hầu hết đều đang nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Vì thế, mỗi hoạt động trong chỉ đạo, điều hành của họ có sức ảnh hưởng và lan toả rất lớn đến toàn xã hội. Ông Thưởng tin rằng, việc lấy phiếu công tâm, khách quan sẽ là cơ sở tốt để đánh giá cán bộ, cũng là cơ hội để mỗi lãnh đạo cấp cao tự nhìn nhận được mức độ tín nhiệm của mình và có những điều chỉnh kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận